Theo báo cáo sơ kết hoạt động Dự án USAID/PATH STEPS, trong quý IV-2024, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 2,2 ngàn người thuộc diện nguy cơ cao đã sử dụng dịch vụ PrEP nhằm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Lũy kế từ năm 2019 đến hết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 7,6 ngàn người đã sử dụng dịch vụ PrEP để phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
Chương trình PrEP được triển khai tại Đồng Nai từ năm 2019 với 4 phòng khám, đến nay đã có 12 phòng khám (gồm 8 phòng khám thuộc cơ sở y tế công lập và 4 phòng khám thuộc cơ sở y tế tư nhân) điều trị PrEP gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, Trung tâm Y tế TP.Long Khánh; TTYT H.Long Thành, TYT Hóa An, TYT Long Bình Tân, TYT thị trấn Long Thành, TYT Lộc An, Phòng khám GLINK, Phòng khám Alo Care, Phòng khám Việt Hương, Phòng khám Ân Khánh Sài Gòn. Trong đó, có 2 phòng khám thực hiện được PrEP lưu động và 3 phòng khám thực hiện được PrEP từ xa.
Dịch vụ PrEP được cung cấp tại cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân, với các mô hình đa dạng, sáng tạo (trạm y tế, PrEP lưu động, PrEP từ xa), đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các nhóm đích; thời gian cung cấp dịch vụ linh hoạt. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận dịch vụ. Hoạt động truyền thông tạo cầu về PrEP cũng được đẩy mạnh qua các chiến dịch, các cuộc thi kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên, thanh niên…
Một buổi truyền thông do CDC Đồng Nai tổ chức về phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên Trường Đại học Đồng Nai.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.
PrEP được chứng minh rất hiệu quả với các nhóm đối tượng như: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); Người chuyển giới nữ (TGW); Phụ nữ bán dâm; Người sử dụng ma túy; Các cặp dị nhiễm, tức có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.
Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV tại Đồng Nai khoảng 7.000 người. Trong đó, có 6.690 trường hợp đã được quản lý (5.065 trường hợp quản lý có hộ khẩu tại địa phương và 1.625 bệnh nhân ngoại tỉnh đang điều trị ARV ở Đồng Nai) đạt 95,6% so với số liệu ước tính người nhiễm HIV tại tỉnh.
Theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), tính từ ngày 15-12-2023 đến 14-12-2024, số người nhiễm HIV xét nghiệm phát hiện mới là 508 trường hợp (trong đó 224 trường hợp có hộ khẩu trong tỉnh). Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn so với đường màu, người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 15-29 tuổi chiếm tỷ lệ cao, cho thấy người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa dần. Tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nam giới, trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng ở nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.
Gia Nhi