Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh, Tỉnh ủy Đồng Nai đã phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng vào thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 13-8 dến hết tháng 10/2022. Sau hơn 1 tháng triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chiến dịch đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm số ca mắc, số ca bệnh nặng và tử vong do SXH.
Số ca mắc SXH giảm mạnh
Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp với việc ghi nhận trên dưới 1000 ca mắc/tuần vào tháng 7 và nửa đầu tháng 8-2022. Cụ thể, trung bình số ca mắc SXH của toàn tỉnh luôn dao động từ 1.300-1.500 ca/1 tuần, đặc biệt tuần từ 24-7 đến 30 -7, cả tỉnh ghi nhận 1.560 ca.
Ngày 8-8-2022, Tỉnh ủy Đồng Nai đã phát động Chiến dịch “Ngày thứ 7 phòng chống sốt xuất huyết” đồng loạt trên toàn tỉnh từ ngày 13/8/2022 và được thực hiện hàng tuần đến hết tháng 10/2022. Chiến dịch nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng với người dân trên toàn tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống dịch SXH, với các các hoạt động cụ thể, thiết thực như vệ sinh môi trường, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường phố, phát quang cây cối bụi rậm và diệt lăng quăng; phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn trọng điểm, nguy cơ cao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trực tiếp theo dõi các địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả “Ngày cuối tuần phòng chống SXH”. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất.
TP. Biên Hòa là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất toàn tỉnh. Tính đến ngày 12-9, toàn thành phố đã ghi nhận 9.051 ca mắc. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai chiến dịch, số ca mắc mới, số ổ dịch giảm 1/3 so với những tuần chưa triển khai trên 30 phường, xã; không ghi nhận thêm ca tử vong. Những địa phương có số ca mắc cao như Trảng Dài, Long Bình, Hố Nai đều giảm. Bên cạnh đó số ca bệnh nặng ghi nhận tại các bệnh viện cũng giảm, không còn quá tải như là thời gian trước đó.

Hướng dẫn người dân tự đổ các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
“Để hạ thấp hơn nữa số ca mắc trong thời gian tới, TTYT TP. Biên Hòa sẽ duy trì ngày cuối tuần diệt lăng quăng tại 30 phường, xã. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống SXH bằng nhiều hình thức cho người dân. Đối với ngành Y tế sẽ tăng cường công tác giám sát, xử lý, phun hóa chất các ổ dịch. Nếu đánh giá có ổ dịch nào lớn, TTYT sẽ phối hợp với chính quyền phường, xã đó phun hóa chất diện rộng không để dịch bùng phát”, BS Đậu Ngọc Trung – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh - HIV/AIDS Trung tâm Y tế Biên Hòa cho biết.
Hay tại xã Bắc Sơn là điểm nóng của dịch SXH của H. Trảng Bom, nơi đây ghi nhận số ca tử vong cao nhất của cả tỉnh (04 ca). Bà Đinh Thị Duyên , Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho hay: Tính đến ngày 9-8, toàn xã đã ghi nhận 322 ca mắc, trong đó có 4 ca tử vong. Nhưng sau thời gian triển khai chiến dịch, số ca mắc đã giảm, không có thêm ca tử vong. Đến ngày 7-9, toàn xã ghi nhận 397 ca, tăng 75 ca trong vòng gần 1 tháng.

Tuyên truyền lưu động phòng chống SXH tại TP.Long Khánh.
“Đây là số ca mắc thấp so với thời điểm trước chiến dịch. UBND xã đã phát động toàn dân ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng vào thứ 7 hàng tuần, qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Đài truyền thanh và các thánh lễ tại nhà thờ. Phát 22.500 tờ rơi tuyên truyền, 15 ngàn tờ cam kết từng hộ gia đình, chạy 42 chuyến xe tuyên truyền lưu động. Chiến dịch ngày cuối tuần phòng chống SXH đã có kết quả khả quan như số ca mắc mới giảm hơn so với trước đó, không ghi nhận thêm ca tử vong. Để giảm mức thấp nhất số ca mắc mới, UBND xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh thoát nước, diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh”.
Sau thời gian đồng loạt triển khai chiến dịch, công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số ca bệnh nặng giảm rõ rệt. Tuần 36 (từ ngày 02/9 đến 08/9/2022) vừa qua ghi nhận 683 ca SXH nhập viện (trong đó 422 ca trẻ em ≤ 15 tuổi, chiếm 62%), giảm 27% với tuần trước (929 ca), không ghi nhận thêm ca tử vong. Trong tuần 36 phát hiện 109 ổ dịch, giảm 17% so với tuần trước (131 ổ dịch).
Người dân không chủ quan, lơ là
TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc CDC Đồng Nai cho biết, để duy trì kết quả chiến dịch và hạ thấp số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế vẫn luôn triển khai các hoạt động như giám sát chiến dịch diệt lăng quăng vào thứ 7 hàng tuần theo kế hoạch của UBND tỉnh. Theo dõi tình hình ca bệnh SXH trên địa bàn; giám sát điều tra ca bệnh, xác minh, xử lý ổ dịch. Tiếp tục rà soát phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại một số phường, xã trọng điểm có số ca mắc cao. Tăng cường phát hiện, xử lý các ổ dịch tại các địa phương. Theo dõi công tác điều trị SXH tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, chỉ đạo các TTYT thực hiện các văn bản của Bộ Y tế, Tỉnh Ủy, UBND tỉnh về tăng cường phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh.

Người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường sau khi phát động chiến dịch 'Ngày cuối tuần phòng, chống sốt xuất huyết'.
Dịch SXH giảm mạnh và dần được đẩy lùi là một tín hiệu đáng mừng. Đó là kết quả của sự chung tay vào cuộc cả hệ thống chính trị trong thời gian qua, sự nỗ lực của ngành Y tế, của mỗi người dân trong việc triển khai làm sạch môi trường công cộng, nơi sinh sống không để muỗi có điều kiện sinh sôi nảy nở.
Để tiếp tục đẩy lùi SXH, các địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động chiến dịch ngày thứ 7 phòng chống SXH; đối với người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không được chủ quan lơ là, đặc biệt khi có triệu chứng nghi ngờ mắc SXH như sốt, mệt mỏi phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Không nên tự điều trị tại nhà để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Mai Liên