Để duy trì sự sống, bệnh nhân suy thận mạn buộc phải chạy thận nhân tạo định kỳ 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 4 giờ. Nhiều người trong số họ đã gắn bó với bệnh viện suốt hàng chục năm, xem nơi đây như mái nhà thứ hai và đội ngũ điều dưỡng như người thân trong gia đình.
Thấu hiểu những nỗi đau và khó khăn mà bệnh nhân phải trải qua, đội ngũ điều dưỡng luôn tận tâm chăm sóc, đồng hành, chia sẻ và động viên. Chính tình cảm chân thành ấy đã tiếp thêm động lực để người bệnh kiên cường vượt qua bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tận tụy, tận tâm
Chị T.T. (40 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) đã có 6 năm điều trị chạy thận nhân tạo tại Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện ĐK Thống Nhất. Dù mang bệnh mạn tính nhiều năm, chị vẫn giữ được làn da hồng hào, vẻ ngoài khỏe mạnh – điều khiến nhiều người ngạc nhiên khi biết chị bị suy thận mạn.
Chia sẻ về cách duy trì thể trạng ổn định, chị T. cho biết bản thân luôn tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị, lắng nghe và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của bác sĩ và điều dưỡng. Chị cũng hình thành thói quen lắng nghe cơ thể, hôm nào ăn thực phẩm khiến cơ thể cảm thấy mệt, hôm sau sẽ tránh không ăn nữa.
Trong lúc hỗ trợ bệnh nhân T. lọc máu, điều dưỡng Phạm Thị Kim Hồng (Khoa Thận nhân tạo) nhẹ nhàng dặn dò: “Dù thời tiết nắng nóng, em vẫn nên hạn chế uống nước. Trái cây mùa này rất ngon nhưng nhớ ăn vừa phải thôi, đặc biệt là sầu riêng vì chứa nhiều kali. Nếu nạp quá mức, kali tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tim mạch và gây nguy hiểm trong quá trình chạy thận”.
Điều dưỡng Phạm Thị Kim Hồng chỉ vào vài vết bầm tím trên cánh tay trái của chị T. và cho biết: do đặc điểm cơ địa, chị T. không thể thực hiện lọc máu qua đường tĩnh mạch ở tay như đa số bệnh nhân khác. Thay vào đó, phải đặt catheter qua đường ngực để dẫn máu trực tiếp vào tim. Phương pháp này tuy giúp đảm bảo quá trình lọc máu diễn ra hiệu quả nhưng gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là việc vệ sinh cá nhân và tắm rửa. Tuy nhiên, đây là giải pháp tối ưu và gần như duy nhất trong trường hợp của chị T.
[Video] Điều dưỡng Phạm Thị Kim Hồng, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện ĐK Thống Nhất dặn dò bệnh nhân trong việc ăn uống hằng ngày.
Người có “thâm niên” chạy thận lâu nhất tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất là ông Đ.H., ngụ tại huyện Trảng Bom. Suốt 25 năm qua, ông H. đều đặn đến Khoa Thận nhân tạo để điều trị và đã trở nên thân quen với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại đây.
Chia sẻ về quá trình điều trị, ông H. cho biết: “Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây rất tận tâm, luôn nhẹ nhàng hướng dẫn, giải thích cho bệnh nhân, chưa bao giờ to tiếng hay cáu gắt. Nhờ vậy, tôi thấy yên tâm và gắn bó như thể bệnh viện là ngôi nhà thứ hai, còn bác sĩ, điều dưỡng là người thân trong gia đình”.
Luôn đồng hành cùng người bệnh
Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện ĐK Thống Nhất hiện là một trong những đơn vị có số lượng máy lọc thận nhiều nhất cả nước, với tổng cộng 104 máy. Hiện khoa đang điều trị thường xuyên cho 530 bệnh nhân suy thận mạn, bao gồm cả bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Mỗi ngày, khoa vận hành liên tục 4 ca lọc thận, dẫn đến tình trạng luôn hoạt động hết công suất.
Trước áp lực số lượng bệnh nhân đông, đội ngũ gồm 6 bác sĩ và 42 điều dưỡng tại Khoa Thận nhân tạo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong từng ca chạy thận.
Điều dưỡng trưởng Lương Thị Kim Cúc cho biết, trước khi chính thức làm việc, điều dưỡng tại khoa đều phải trải qua khóa đào tạo 6 tháng chuyên sâu về thận nhân tạo nhằm nắm vững kiến thức và kỹ thuật chuyên môn. Sau khi bác sĩ chỉ định điều trị, điều dưỡng sẽ thực hiện quy trình chạy thận và theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân trong suốt thời gian lọc máu.
“Mỗi máy chạy thận có hệ thống dây dẫn phức tạp, đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Chỉ một sơ suất nhỏ, như kim chọc mạch bị lỏng hoặc tuột ra khỏi ống dẫn, cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng”- điều dưỡng Kim Cúc nhấn mạnh.
Không chỉ thực hiện công việc chuyên môn, các điều dưỡng Khoa Thận nhân tạo còn luôn thấu hiểu và đồng hành cùng bệnh nhân. Với tình yêu thương, hiểu được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người bệnh, họ thường xuyên chủ động đề xuất với Ban lãnh đạo khoa và Phòng Công tác xã hội của bệnh viện vận động hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Qua đó, giúp bệnh nhân có tiền đóng viện phí, trang trải phần nào cuộc sống, an tâm điều trị.

Điều dưỡng Lê Thị Lan, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện ĐK Thống Nhất thăm hỏi, trò chuyện với bệnh nhân.
Điều dưỡng Lê Thị Lan, người đã có 13 năm gắn bó với Khoa Thận nhân tạo, chia sẻ: “Tôi đã tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân, hầu hết đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Một người chạy thận thường phải có người thân đi cùng chăm sóc, nên cả hai đều không thể lao động kiếm sống. Nhiều gia đình vì thế rơi vào cảnh bấp bênh, thiếu thốn. Những lúc như vậy, tôi càng thêm thương và càng nỗ lực làm tốt công việc của mình”.
Từng có thời gian làm việc ở cả Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Thận nhân tạo, điều dưỡng Phạm Thị Kim Hồng chia sẻ thêm: “Mỗi khoa có tính chất công việc khác nhau. Ở Hồi sức cấp cứu là các ca bệnh nặng, diễn biến nhanh, điều dưỡng chủ yếu tập trung chăm sóc người bệnh.
Còn ở Thận nhân tạo, bệnh nhân là những gương mặt quen thuộc. Công việc điều dưỡng thiên về thực hiện kỹ thuật và theo dõi liên tục trong thời gian dài”.
Dù công việc nhiều áp lực, cường độ cao và đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối, nhưng những điều dưỡng như chị Kim Cúc, Kim Hồng, Lê Lan và nhiều đồng nghiệp khác chưa từng có ý định bỏ nghề. Họ vẫn luôn nỗ lực vươn lên, làm chỗ dựa vững chắc cho người bệnh trong hành trình tìm sự sống.
ThS Huỳnh Tú Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: “Lực lượng điều dưỡng chiếm 70% nhân sự toàn ngành y tế. Đội ngũ điều dưỡng đã và đang khẳng định vị trí quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Bích Ngọc – Hạnh Dung