Sáng ngày 12-7, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) tổ chức Hội thảo khoa học về cập nhật tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị Ký sinh trùng – Côn trùng.
Tham dự hội thảo có Ban lãnh đạo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định) gồm PGS.TS.BS Hồ Văn Hoàng - Viện trưởng; TS.BS Huỳnh Hồng Quang – Phó Viện trưởng và ThS. BS Nguyễn Văn Khá, chuyên gia siêu âm hệ gan mật; Ban giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất cùng hơn 200 đại biểu là các y, bác sĩ đến từ các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, BS.CKII Nguyễn Thị Kim Loan – Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết, nhiễm ký sinh trùng là bệnh lý phổ biến thường gặp ở quốc gia có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới như Việt Nam, do các loại giun, sán, bọ chét, chí, ve, rận,… sống ký sinh ở người thông qua các đường lây nhiễm như lây qua đất, qua da, đường tiêu hóa và từ động vật sang người. Khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người, chúng hút máu hoặc chất dinh dưỡng của con người để sinh sôi, phát triển, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều tác hại cho cơ thể như tổn thương gan, não, phổi, thận, suy dinh dưỡng, thiếu máu,…
PGS.TS.BS Hồ Văn Hoàng - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định) trình bày cáo cáo tại hội thảo.
Mục đích của hội thảo giúp đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế được cập nhật những tiến bộ mới nhất, những kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh trùng, côn trùng từ các chuyên gia đầu ngành của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn. Bởi đây là những bệnh lý có diễn biến âm thầm, triệu chứng mơ hồ nên người dân không chú ý. Do đó, việc cập nhật kiến thức mới là vô cùng quan trọng để các y, bác sĩ nâng cao kiến thức để chẩn đoán đúng, phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh cho người dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia báo cáo những nội dung: Bệnh do ký sinh trùng và côn trùng truyền ở người - Một số thách thức và khó khăn; Cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh trùng; Đặc điểm hình ảnh siêu âm tổn thương gan do sán lá gan lớn Fasciola spp.
Toàn cảnh hội thảo tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất.
Trong đó, đáng chú ý là chuyên đề về hình ảnh siêu âm tổn thương gan do sán lá gan lớn Fasciola spp do ThS.BS Nguyễn Văn Khá trình bày. Theo đó, với khoa học ngày nay bệnh ký sinh trùng có thể chẩn đoán qua hình ảnh siêu âm, giúp cho việc phát hiện bệnh được chính xác, rút ngắn thời gian điều trị và giảm chi phí cho bệnh nhân. Đáng chú ý, bệnh sán lá gan rất phổ biến ở miền Trung - Tây nguyên nhiều hơn khu vực miền Nam. Bệnh sán lá gan là do chúng ta ăn những loại rau sống trồng thủy sinh hoặc mọc dưới mương nước bị nhiễm khuẩn như rau răm, ngò ôm (rau ngổ), các loại sau mọc dại ở khu vực nguồn nước ô nhiễm có nhiều ấu trùng sán lá gan trú ngụ. Khi nhiễm sán lá gan thường gây đau tức ở vùng gan, gây ổ áp xe trong gan, nếu để lâu có thể gây vỡ gan phải can thiệp ngoại khoa, thậm chí có thể gây tử vong.
“Phòng khám Ký sinh trùng – Côn trùng của Bệnh viện ĐK Thống Nhất thực hiện theo mô hình của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định). Đây là mô hình chuẩn quốc gia cùng với hệ thống xét nghiệm vi sinh của Bệnh viện đạt chứng chỉ ISO 15189:2022 chuẩn quốc tế, nên rất thuận lợi trong khám, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng trên địa bàn tỉnh cũng như các vùng lân cận” – BS. CKII Nguyễn Thị Kim Loan chia sẻ.
Bích Ngọc