Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp từ truyền thông thay đổi hành vi đến rà soát đối tượng để tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đầy đủ và nhân viên y tế, người bệnh nguy cơ cao để sớm khống chế dịch bệnh sởi.
Bên cạnh đó, hệ điều trị cũng đã và đang nỗ lực để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong do sởi, hạn chế lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Nhiều ca bệnh rất nặng phải thở máy đều bình phục tốt
ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Nai cho biết, những những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 200 ca khám bệnh sởi. Trong đó có khoảng 30-40 ca phải nhập viện, thậm chí có những ngày có trên 50 ca (tương đương với tổng số bệnh nhân của một khoa thông thường). Những bệnh nhân phải nhập viện đa phần có biến chứng viêm phổi, phải theo dõi sát. Còn những bệnh nhân nhẹ thì được cho về nhà điều trị tại nhà, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị nội trú cho hơn 280 bệnh nhân mắc sởi. Trong đó có 39 bệnh nhân phải thở ô xy, 24 bệnh nhân phải thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP.) “Điều đáng mừng là vừa qua có đến 20 ca bệnh rất nặng phải thở máy nhưng các bác sĩ, điều dưỡng đã chăm sóc, điều trị tích cực nên đến nay các bệnh nhân hồi phục tốt, chưa có thêm ca tử vong nào do sởi. Đặc biệt, trong số những ca bệnh sởi nặng có những trường hợp có bệnh nền rất nặng như nhiễm HIV, tổn thương gan nặng, bệnh tim”, - BS Nghĩa chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện ĐKKV Long Thành và Trung tâm Y tế H. Nhơn Trạch.
Để có được kết quả tích cực đó, theo bác sĩ Nghĩa, bệnh viện đã có nhiều sự hỗ trợ quan trọng, trong đó có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) đã cấp cho bệnh viện một lượng lớn thuốc Vitamin A. Bệnh viện đã sử dụng hơn 9.000 viên, còn khoảng 1.000 viên dự kiến sẽ sử dụng hết trong vòng 1 tuần. Ngoài ra, bệnh viện có đầy đủ thuốc ProIVIG, nhờ có thuốc này mà khống chế được những ca bệnh nặng, không có ca tử vong.
Để không lặp lại tình trạng đáng tiếc như 2 bệnh nhân tử vong do sởi vừa qua, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo gia đình có người mắc bệnh sởi cần theo dõi sát diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân. Nếu nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng phải đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu. Nhân viên y tế làm việc 24/24, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu người bệnh dù ngày hay đêm. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã quán triệt các y bác sĩ phải dặn dò kỹ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về vấn đề này.
Không những quán triệt tại bệnh viện, trong các đợt giám sát tại các đơn vị mới đây, bác sĩ Nghĩa cũng đã hướng dẫn quy trình tiếp nhận, khám sàng lọc cũng như việc điều trị cho các đơn vị tuyến dưới, trong đó chú ý đến hoàn cảnh bệnh nhân, nếu gia đình bệnh nhân không có điều kiện chăm sóc ở nhà thì nên tư vấn bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị, cùng với đó là phải dự phòng Vitamin A, thuốc, vật tư y tế để điều trị cho bệnh nhân. Quá trình điều trị có thể trao đổi với Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ để đưa ra phương án điều trị tốt nhất, với những ca nặng thì chuyển ngay lên tuyến trên kịp thời.
Khẩn trương điều tra, thống kê danh sách đối tượng cần tiêm vắc xin
Là địa phương đang dẫn đầu toàn tỉnh về số ca mắc bệnh sởi, BS.CKII Đậu Ngọc Trung - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Biên Hòa cho hay, sau khi trên địa bàn thành phố ghi nhận có trường hợp tử vong do sởi hồi đầu tháng 11, thực hiện hướng dẫn của CDC Đồng Nai, TTYT TP.Biên Hòa triển khai các giải pháp để rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng tại các trường học và khu phố, ấp. Trong đó, ưu tiên những trẻ không đi học hoặc ở nhà mà có bệnh nền, những nhóm trẻ tư nhân.
“Trong tuần này, chúng tôi sẽ tiêm hết 6.500 liều vắc xin đã được phân bổ. Do tình hình di biến động dân cư lớn nên chúng tôi rà soát còn hơn 9.000 trẻ chưa được tiêm. Lãnh đạo TTYT đề nghị các trạm y tế tổ chức tiêm ngoài giờ, tại khu phố, ấp để tạo thuận lợi về thời gian cho người dân trên địa bàn. Cả 25 trạm y tế trên địa bàn đang triển khai quyết liệt vấn đề này nhằm sớm khống chế dịch bệnh sởi”, - BS Trung cho hay.
Nhân viên CDC Đồng Nai giám sát công tác rà soát đối tượng tiêm vắc xin sởi tại P. Long Bình (TP.Biên Hòa).
Trong khi đó, huyện Long Thành đã tiêm được hơn 13.100 liều vắc xin sởi – rubella, đạt 99,2% số trẻ trong độ tuổi đăng ký tiêm. Để đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm, lãnh đạo TTYT H.Long Thành chỉ đạo các trạm y tế theo dõi hàng ngày, hàng tuần để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo thống kê của TTYT H.Long Thành, trong số 157 ca mắc bệnh sởi trong 3 tuần gần đây trên địa bàn huyện có 23 ca dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi. Do đó, trung tâm khuyến khích các bà mẹ đang cho con bú đi tiêm vắc xin sởi – rubella để phòng bệnh cho trẻ.
Đồng Nai cần thêm gần 15.000 liều vắc xin sởi - rubella
BS.CKI Phan Văn Phúc - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số mắc sởi trên toàn tỉnh là hơn 5.000 ca, đứng đầu cả nước. Tất cả các địa phương đều ghi nhận ca mắc sởi. Nhóm khuyết miễn dịch vắc xin sởi chủ yếu là trẻ từ 1-10 tuổi. Nhóm chưa đủ tiêm vắc xin sởi (dưới 9 tháng tuổi) mà nhiễm sởi là do ảnh hưởng của mầm bệnh sởi trong cộng đồng.
Về công tác tiêm chủng, sau khi tiếp nhận 113.000 liều vắc xin sởi – rubella từ Bộ Y tế, ngành Y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella đợt 1 từ ngày 27-9 đến 30-10. Kết quả đợt 1 đã tiêm hết 94.000 liều. Số vắc xin còn lại là hơn 19.000 liều đã tiêm vét, tiêm bổ sung.
Trước diễn biến tình hình bệnh sởi, nhiều phụ huynh đã tranh thủ đưa con đến tiêm ngừa vắc xin sởi tại Trạm Y tế P. Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
Theo thống kê của các địa phương, tỉnh Đồng Nai cần thêm gần 15.000 liều vắc sởi – rubella nữa để tiêm cho nhóm trẻ từ 1-10 tuổi. Bác sĩ Phúc cho biết, sau khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong do sởi, số lượng người dân đi tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các trạm y tế tăng cao. Qua đó cho thấy người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh.
Qua giám sát tại các đơn vị có dịch bệnh sởi tăng mới đây, BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Sở Y tế đề nghị các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Lãnh đạo TTYT huyện chỉ đạo truyền thông qua trạm y tế, phối hợp với Trung tâm Văn hoá – Thông tin – Thể thao huyện, UBMTTQ huyện, các tổ chức đoàn thể, Phòng Giáo dục để đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh sởi và lợi ích của việc tiêm vắc xin sởi.
Tại các cơ sở điều trị, BS.CKII Nguyễn Văn Bình lưu ý, phải bố trí người sàng lọc bệnh nhân có triệu chứng sởi, nhân viên y tế cần phải có các phương tiện phòng hộ, không để cho bệnh nhân sởi đi lại nhiều nơi trong bệnh viện để tránh làm lây lan dịch bệnh trong bệnh viện bởi vi rút sởi lây gấp 3 lần COVID-19. Bệnh viện cần rà soát để tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ cho nhân viên. Biểu dương những cán bộ làm tốt công tác phòng chống dịch, phê bình những người làm chưa tốt. Chú ý việc mua sắm, bổ sung đầy đủ các vật tư y tế để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Chiến dịch tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi – rubella trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 12-2024. Dự kiến Bộ Y tế sẽ cấp thêm gần 15.000 liều vắc xin sởi – rubella cho Đồng Nai để triển khai chiến dịch. Mục tiêu nhằm khống chế, dập dịch sởi, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. |
Hoàn Lê