Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra sống trong cùng một thời kỳ (năm) của một quốc gia hay một vùng, một địa phương nào đó. Tỷ số này thông thường từ 104-106 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) xảy ra khi tỷ số này lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 104. Tại Đồng Nai, kể từ năm 2019 đến nay tỷ số giới tính khi sinh đều nằm ở mức 107 đến 108 bé trai/100 bé gái. Để hiểu rõ hơn về những hoạt thực hiện Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại Đồng Nai, phóng viên CDC Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn BS.CKII Lê Phương Lan – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên: Xin bà cho biết các hoạt động của công tác dân số trong việc góp phần thực hiện bình đẳng giới hiện nay?
BS.CKII Lê Phương Lan: Tại Việt Nam, bình đẳng giới là một chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhằm xây dựng quốc gia phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, an toàn và phát triển bền vững.
Ngày 23/3/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 468/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 – 2025. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Kể từ đó đến nay công tác dân số có nhiệm vụ quan trọng là triển khai các giải pháp của Đề án nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, góp phần thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bác sĩ siêu âm cho thai phụ tại CDC Đồng Nai.
Phóng viên: Bà có thể cho biết cụ thể hơn về các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và việc thực hiện các giải pháp này tại Đồng Nai ra sao?
BS.CKII Lê Phương Lan: Đề án tập trung vào 4 giải pháp sau: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (1); Các chính sách khuyến khích hỗ trợ (2); Nâng cao hiệu lực thực thi những qui định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (3); Hợp tác quốc tế (4).
Tại Đồng Nai việc triển khai các giải pháp của Đề án Kiểm soát MCBGTKS khi sinh như sau:
Đối với giải pháp thứ nhất (1): Các hoạt động của giải pháp tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với việc kiểm soát MCBGTKS. Tại Đồng Nai hoạt động này chủ yếu từ nguồn kinh phí địa phương được phê duyệt hàng năm, chiếm khoảng 5% trong tổng kinh phí toàn bộ công tác dân số. Để thông tin được chuyển tải đến nhiều đối tượng, việc truyền thông được Chi cục Dân số tỉnh phối hợp với các trung tâm Y tế huyện, thành phố lồng ghép với các chương trình y tế khác, phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong tỉnh lồng ghép vào các hoạt động truyền thông của các cơ quan đơn vị ngoài ngành.
Các nội dung của kiểm soát MCBGTKS được đưa vào giảng dạy hàng năm cho học viên trong trường Chính trị tỉnh. Từ năm 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu Sở Y tế phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo, theo đó 74 trường trung học phổ thông trong toàn tỉnh được đưa nội dung giáo dục về bình đẳng giới, hệ lụy của MCBGTKS, các qui định về nghiêm cấm can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh cho học sinh khối 12.
Qua đó, trang bị cho các em kiến thức cơ bản về giới và bình đẳng giới, những qui định của pháp luật đối với việc can thiệp lựa chọn giới. Ngành y tế cũng xác định, đây chính là đối tượng đích mà công tác dân số hướng tới, bởi các em sẽ là những người góp phần đắc lực vào việc không can thiệp lựa chọn giới trong tương lai gần khi rời trường phổ thông trung học.
Đối với giải pháp thứ hai (2): Tại Đồng Nai đã triển khai chính sách hỗ trợ cho các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái thuộc hộ nghèo và cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cha mẹ sinh con một bề là gái khi hết tuổi lao động không có lương hưu. Tuy nhiên, chính sách này cũng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong xác định đối tượng được hưởng lợi.
Hàng năm, Chi cục Dân số tỉnh phối hợp với các Trung tâm y tế huyện, thành phố tổ chức “Hội nghị biểu dương gia đình sinh con một bề là gái, các cháu gái học giỏi sống tốt”. Việc này có ý nghĩa về mặt tinh thần, mang tính đại diện. Hoạt động này chưa thật sự tạo “động lực” để các cặp vợ chồng tự nguyện không lựa chọn giới tính khi sinh.
Đối với giải pháp thứ ba (3): Việc thực thi chính sách pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, hàng năm có tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát các cơ sở siêu âm, bắt mạch, các cơ sở in, xuất bản ấn phẩm sách, báo nhưng chưa phát hiện được tổ chức, cá nhân nào sai phạm các qui định về can thiệp lựa chọn giới. Chủ yếu dừng ở việc nhắc nhở, cảnh báo…
Cũng cần nhận thức khách quan rằng, việc nghiêm cấm siêu âm xác định giới tính và chấm dứt thai vì lựa chọn giới tính không phải là giải pháp có hiệu quả khi nguyên nhân “gốc rễ” là “định kiến giới” chưa giải quyết được. Mặt khác, các hành vi can thiệp lựa chọn giới như siêu âm, bắt mạch… đều rất tế nhị và khó có thể kiểm soát, khó phát hiện.
Đối với giải pháp thứ tư (4): Hợp tác Quốc tế. Đây là một hạn chế của Đồng Nai, nhiều năm qua chưa kêu gọi được tổ chức Quốc tế nào tài trợ cho chương trình dân số nói chung và Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng. Về nguyên nhân khách quan, thì nhiều năm nay Đồng Nai không phải là điểm nóng của mất cân bằng giới tính khi sinh. Kể từ năm 2019 đến nay tỷ số giới tính khi sinh của Đồng Nai đều nằm ở mức 107 đến 108 bé trai/100 bé gái. Trong khi các tổ chức quốc tế chỉ ưu tiên can thiệp vào nơi “tạo điểm nóng”. Đây cũng là lý do chúng ta chưa kêu gọi được các tài trợ từ Quốc tế cho nội dung này.
Phóng viên: Bà có khuyến nghị gì trong việc triển khai các giải pháp trong thời gian tới?
BS.CKII Lê Phương Lan: Thứ nhất: Tiếp tục giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Phải xác định công tác truyền thông, giáo dục là quan trọng, cần được làm tích cực và liên tục nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề bình đẳng giới, vai trò của con trai và con gái là như nhau trong gia đình, nhất là gia đình nhiều thế hệ chung sống, gia đình có con trai trưởng, con trai độc. Cần tác động mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức của những người uy tín trong cộng đồng như: Cha xứ, sư trụ trì, trưởng thôn, trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, nam giới, người cao tuổi,…từ đó tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với việc triển khai chương trình. Tăng đầu tư kinh phí cho hoạt động truyền thông của Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Bộ Y tế xây dựng tài liệu chuẩn, đưa nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới vào chương trình ngoại khóa trong trường THCS, THPT, đại học và cao đẳng.
Lồng ghép các nội dung liên quan đến kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước nhằm tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thứ hai: Cần có những can thiệp mạnh hơn về công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế tư nhân và hệ thống y tế nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở này trong quá trình cung cấp dịch vụ, nhất là việc thông báo giới tính thai nhi và phá thai vì mục đích lựa chọn giới.
Thứ ba: Cần có những giải pháp ưu tiên đủ mạnh từ chính sách: Ngoài 4 đối tượng các gia đình sinh con một bề gái được hỗ trợ (hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo). Cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ như các gia đình sinh đủ hai con một bề là gái có mức sống trung bình, gia đình có bố mẹ bị tai nạn lao động.
Các sở ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao cần tham mưu UBND tỉnh các chính sách đối với gia đình sinh con một bề là gái như: Ưu tiên mua nhà ở xã hội, giảm học phí, hỗ trợ học sinh, sinh viên là con của gia đình sinh con một bề là gái sau khi ra trường được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình.v.v…để các cặp vợ chồng có 2 con gái không có ý định sinh thêm con trai; hoặc đã có 1 con gái không có ý định can thiệp lựa chọn giới cho lần sinh thứ 2; hoặc bỏ đi ý định sinh một con trai.
Thứ tư: Tỉnh cần ưu tiên phát triển kinh tế vùng, ưu tiên đào tạo nghề và tuyển dụng đối với lao động nữ. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp ưu tiên tạo điều kiện cho lao động nữ được tham gia các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Chỉ khi người dân tự nhận thấy sự ưu việt từ chính sách dành cho họ thì họ sẽ tự nguyện thay đổi hành vi can thiệp lựa chọn giới.
Thứ năm: Tỉnh cần có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển mạnh mẽ các Trung tâm chăm sóc sức khỏe người già ban ngày, để con cái có cha mẹ già yên tâm đi làm. Cần có chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho những cặp vợ chồng già sinh con một bề, tạo được niềm tin, sự an tâm cho họ khi tuổi già. Sự can thiệp của chính sách mới là giải pháp căn cơ, đủ mạnh để góp phần kiềm chế, kiểm soát sự gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh.
Việc can thiệp nhằm duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên chính là đang góp phần thực hiện bình đẳng giới và ngược lại.
Phóng viên: Cảm ơn bà!
Bích Ngọc (thực hiện)