Lặng thầm làm việc và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, vất vả, những bác sĩ pháp y của Trung tâm Pháp Y Đồng Nai luôn tự răn mình đặt cái tâm của người thầy thuốc lên trên hết để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là cán cân công lý, góp phần đem lại sự bình yên cho xã hội.
Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao
Bác sĩ Nguyễn Gió, Giám đốc Trung tâm Pháp Y Đồng Nai cho biết, năm 2006 sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, ông nộp đơn và được nhận vào làm việc ở Trung tâm Pháp Y Đồng Nai và gắn bó với công việc này cho đến nay. BS gió nhớ lại lần đầu tiên tham gia với vai trò hỗ trợ giám định viên. Thời điểm đó, có một ông cụ đang đi xe đạp thì té xuống đất, va đầu vào thành cầu tử vong, máu chảy rất nhiều. Lúc đó, người nhà bệnh nhân nghi ngờ có thể ông cụ đã bị xe tông dẫn đến tử vong nên yêu cầu công an vào cuộc. Để tìm nguyên nhân cái chết, chúng tôi đã tiến hành mổ tử thi, kiểm tra não, tim, phổi của nạn nhân, các giám định viên sau đó đánh giá nạn nhân bị nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử. Nhờ có kết quả giám định đó đã giúp người nhà không còn băn khoăn về cái chết của người thân nữa.
Một trường hợp khác, đó là 1 nam thanh niên ở xã Đắc Lua (H.Tân Phú) đi làm rẫy thì tử vong, đến gần 40 ngày sau mới được phát hiện. Khi đó, cơ thể nạn nhân đã phân hủy, mốc mùi, có rất nhiều côn trùng. Mặc dù phải tiếp xúc với môi trường độc hại nhưng các giám định viên đã thực hiện giám định, đánh giá các tổn thương trên cơ thể nạn nhân cẩn trọng, tỉ mỉ, đúng quy trình. Từ đó đã loại trừ nguyên nhân tử vong do gãy xương hay độc chất, khả năng cao nạn nhân tử vong do bệnh lý.
![](/UserFiles/Images/2023/Thang%2012/%E1%BA%A3nh%20b%C3%A0i%20ph%C3%A1p%20y.jpg)
Bác sĩ Nguyễn Gió, Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai đang lấy mẫu để xác định nguyên nhân cái chết của một trường hợp cần giám định.
Hay mới đây, nhờ sự vào cuộc của các giám định viên Trung tâm Pháp Y tỉnh Đồng Nai mà cơ quan công an đã tìm ra thủ phạm gây tai nạn giao thông khiến 1 phụ nữ bán vé số tử vong trên địa bàn P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa.
Bác sĩ Gió cho biết: “Một trong những khó khăn, vất vả của nghề giám định pháp y là luôn bị động trong công việc. Khi xảy ra những cái chết tức tưởi, nhiều nghi vấn cũng là lúc chúng tôi nhận lệnh vào cuộc khám nghiệm tử thi phục vụ điều tra vụ án. Bất ngờ lên đường làm nhiệm vụ những giám định viên pháp y cũng không biết trước khi nào công việc sẽ kết thúc. Suốt 17 năm qua, chưa có đêm 30 Tết nào tôi và các giám định viên trực được đón giao thừa cùng gia đình, bởi luôn phải lên đường làm nhiệm vụ. Nếu không có sự cảm thông, hỗ trợ từ phía gia đình, các giám định viên pháp y rất khó để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Còn bác sĩ Phạm Xuân Giang, Trung tâm Pháp y Đồng Nai chia sẻ, chân lý và pháp lý đòi hỏi giám định viên luôn phải nghiêm túc, thận trọng, tỉ mỉ trong công việc, từ việc xác định tổn thương, vị trí mổ trên tử thi, lấy mẫu xét nghiệm đến các công đoạn khác trong phòng xét nghiệm. Để tìm ra sự thật, giám định viên phải làm việc rất căng thẳng như một thám tử. Có những đêm chợt nghĩ ra chi tiết gì đó liên quan đến vụ án liền bật dậy ghi chép hoặc với những vụ tử vong do súng đạn, giám định viên phải lấy mình làm vật giả định, tưởng tượng ra vị trí bắn, đường đạn và các tình huống có thể xảy ra... Bên cạnh đó còn phải cẩn trọng khi khám nghiệm tử thi để không bị lây các bệnh truyền nhiễm như: lao, viêm gan B, HIV...
Đơn cử như mới đây, trên địa bàn TP. Biên Hòa xảy ra một vụ ẩu đả giữa 2 anh em ruột làm một người tử vong. Ban đầu, khi thấy vết trầy xước trên đầu của nạn nhân, nhiều người nghĩ nạn nhân bị đánh, nhưng khi các giám định viên pháp y tiến hành giám định tử thi thì phát hiện nạn nhân chết không phải do bị đánh, mà có tiền sử về bệnh tim, lúc tinh thần bị kích động đã bị suy tim, dẫn đến tử vong.
Không quản ngại khó khăn, vất vả
Bác sĩ Gió cho biết, trung bình mỗi năm Trung tâm Pháp y Đồng Nai thực hiện khoảng 2,5 ngàn vụ giám định tử thi, giám định thương tật, giám định xâm hại tình dục, giám định hồ sơ, giám định hung khí gây án…, số lượng đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Trung tâm Pháp y TP.HCM và Hà Nội. Những nhận xét, kết luận của giám định viên pháp y có ý nghĩa quan trọng, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, bào chữa, kết án. Để đưa ra kết luận chính xác, khách quan, trung thực, yêu cầu giám định viên phải không ngừng nỗ lực, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn không chỉ trong lĩnh vực y học mà cả sinh học, hóa học, vật lý học, tin học…
“Bất kể khi nào, dù ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghỉ, môi trường làm việc ra sao, hễ cơ quan công an cần trưng cầu, các giám định viên đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Có nhiều vụ án, chúng tôi chịu sức ép rất lớn từ dư luận xã hội, từ bị hại, gia đình bị hại, thủ phạm, gia đình thủ phạm và cả từ phía luật sư, tòa án, cơ quan tố tụng. Trong mỗi vụ án, chúng tôi đều làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, cân nhắc rất kỹ lưỡng, đặt cái tâm của người thầy thuốc lên trên hết, vượt qua mọi cám dỗ để giúp cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ, xử lý đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm và giúp minh oan cho người vô tội” - BS Gió tâm sự.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Pháp y Đồng Nai, do đặc thù công việc có nhiều khó khăn, phức tạp, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nên rất hiếm bác sĩ trẻ ra trường tình nguyện làm giám định viên pháp y. Toàn tỉnh có hơn 3,2 triệu dân, là địa bàn “nóng” nhưng đến nay trung tâm mới chỉ được giao 18 biên chế, trong đó có 4 giám định viên.
Giám định pháp y đến nay vẫn là nghề được ít người lựa chọn, chưa kể một số người sau khi được tuyển dụng nhưng không chịu được áp lực công việc đã bỏ nghề hoặc chuyển sang công việc khác. Tuy nhiên, nhiều bác sỹ vẫn thầm lặng cống hiến, tâm huyết với nghề để làm phúc cho đời và bảo vệ công lý, góp phần vào sự bình yên của xã hội.
H. Lê – H. Dung