Hiện nay có 3 phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối, đó là chạy thận nhân tạo, ghép thận và lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc). Trong đó ghép thận ít phổ biến vì đòi hỏi phải có nguồn thận phù hợp và chi phí điều trị cao, còn lại lọc màng bụng được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn chạy thận nhân tạo, vì bệnh nhân có thể tự lọc máu tại nhà. Với tính ưu việt này, mới đây bệnh viện ĐK Đồng Nai đã triển khai kỹ thuật lọc màng bụng điều trị cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
Ưu điểm của kỹ thuật lọc màng bụng
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, hiện nay có ba phương pháp điều trị thay thế thận: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) và ghép thận. Trong đó, ghép thận là phương pháp tối ưu nhất song rất khó tìm được nguồn cho thận, chi phí cao (phẫu thuật và thuốc hằng ngày), nguy cơ thải ghép, tác dụng phụ của thuốc thải ghép. Phổ biến nhất hiện nay là chạy thận nhân tạo, tuy nhiên cuộc sống của bệnh nhân gắn liền với bệnh viện (3 lần/tuần), ăn kiêng nghiêm, tình trạng sức khỏe ít ổn định, thường mệt trước và sau lọc máu, nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi cao, chưa nói đến các cơ sở thiếu máy chạy thận do bệnh nhân đông.
Trong khi đó, lọc màng bụng là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc các chất chuyển hoá, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi. Ưu điểm của nó là đơn giản, dễ thực hiện, người bệnh có thể thực hiện tại nhà, phù hợp cho mọi lứa tuổi, bảo tồn chức năng thận tốt, mang lại hiệu quả cao.Với tính ưu việt này, bệnh viện đã đưa phương pháp lọc màng bụng vào điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám cho chị M. trước khi phẫu thuật đặt 1 ống thông (catheter) vào ổ bụng để thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng.
“Chi phí 1 ca chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng xấp xỉ ngang nhau, tuy nhiên lọc màng bụng lại có nhiều ưu điểm hơn. Bệnh nhân không lệ thuộc vào bệnh viện, chỉ đến bệnh viện 1 lần/tháng để tái khám và nhận dịch lọc tiếp tục làm ở nhà, bệnh nhân có thể đi làm hay đi học, ít bị nhiễm trùng máu và siêu vi viêm gan hơn chạy thận nhân tạo… Còn chạy thận nhân tạo bệnh nhân phải lệ thuộc vào bệnh viện, một tuần phải đến bệnh viện 3 lần để chạy, mất thời gian đi lại và phải có người đi theo”,- BS Hằng nói.
Việt Nam hiện có khoảng 30 đơn vị có thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng để điều trị thay thế thận cho bệnh nhân suy thận. Tại Đồng Nai, Bệnh viện ĐK Đồng Nai là bệnh viện thứ 2 trong tỉnh sau Bệnh viện ĐK Thống Nhất triển khai kỹ thuật này.
Thêm lựa chọn cho người bệnh suy thận
Bác sĩ Hằng cho hay, để triển khai kỹ thuật này bệnh viện đã chuẩn bị cách đây 2 năm về trang thiết bị, phòng ốc theo yêu cầu của Bộ Y tế. Ngoài ra, bệnh viện cử điều dưỡng, bác sĩ đi học tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ ngoại niệu học chứng chỉ phẫu thuật đặt catheter và bác sĩ nội thận học kỹ thuật lọc màng bụng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến tháng 8-2022 bệnh viện mới triển khai được kỹ thuật này.
Hai bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này để điều trị bệnh suy thận giai đoạn cuối là ông Đ.V.Th., (ngụ xã Phú Hội, H. Nhơn Trạch) và chị P.T.M., (27 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa).
Như trường hợp của chị Mai, cách đây 2 năm, vừa lúc chị M. đang mang thai thì cơ thể có những dấu hiệu phù. Gia đình nghĩ rằng chị M. bị phù do thời kỳ mang thai chứ không nghĩ đến việc chị bị bệnh thận. Sau khi sinh con, cơ thể chị tiếp tục bị phù, gia đình đưa chị đi khám thì phát hiện chị bị bệnh thận. Gia đình có bốc thuốc nam, thuốc bắc uống nhưng bệnh không giảm, đến khi trở nặng, chị M. đến Bệnh viện ĐK Đồng Nai khám mới biết chị bị suy thận giai đoạn cuối và phải nhập viện điều trị. Tại đây, chị được bác sĩ, điều dưỡng tư vấn phương pháp lọc màng bụng, ưu điểm tự làm được tại nhà, không phụ thuộc vào máy, chị Mai đã quyết định điều trị bệnh của mình bằng phương pháp này.

Đồ họa 3 phương pháp điều trị suy thận hiện nay.
Chị Mai chia sẻ: “Phương pháp này rất thuận lợi cho tôi, vì ở nhà cũng có thể thực hiện được, một tháng mới đến bệnh viện 1 lần để tái khám và nhận dịch lọc. Mới thực hiện một lần nhưng sức khỏe của tôi đã cải thiện, hy vọng rằng với phương pháp này sẽ mang lại nhiều may mắn cho tôi”.
Cũng theo bác sĩ Hằng, với kỹ thuật này 2 bệnh nhân được phẫu thuật đặt 1 ống thông (catheter) nhỏ mềm vào ổ bụng, sau khi bệnh nhân ổn định sức khỏe bác sĩ huấn luyện kỹ để bệnh nhân tự thay dịch (nối túi dịch vào ống thông, xả dịch cũ ra, vô dịch mới và tháo túi dịch ra khỏi ống thông) hàng ngày tại nhà. Bệnh nhân thay dịch bằng tay 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ, 2 lít/lần, giữa các lần thay dịch bệnh nhân có thể hoàn toàn tự do. Để tránh nhiễm trùng và mang lại hiệu quả cao, ngoài việc tuân thủ theo quy trình bác sĩ, đòi hỏi nhà của bệnh nhân phải có phòng thay dịch, chỗ chứa dịch, vòi rửa tay và luôn mang ống thông ở bụng…
BS.CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, hiện nay bệnh nhân suy thận khá nhiều, trong khi chạy thận nhân tạo đang quá tải thì lọc màng bụng là một phương pháp lựa chọn tốt cho bệnh nhân. Phương pháp này được bệnh viện ứng dụng khá tốt và mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh.
“Ngoài triển khai kỹ thuật lọc màng bụng, hiện bệnh viện đã cử ê kíp đi đào tạo ở bệnh viện tuyến trên, chuẩn bị máy móc, trang thiết bị để triển khai kỹ thuật ghép thận, dự kiến vào cuối năm 2023, với mong muốn trong tương lai mang lại nhiều niềm vui cho những bệnh nhân có bệnh lý thận mạn tính” – BS Tuấn chia sẻ.
Sao Mai