Mấy ngày qua, trên một số nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện một trào lưu kỳ lạ và nguy hiểm, đó là nhỏ nước cốt chanh vào mắt để làm sáng mắt, tăng thị lực, làm sạch mắt tự nhiên… Đây là một trào lưu phản khoa học.

Mặc dù trào lưu này thu hút được sự quan tâm của giới trẻ và được lan truyền dưới dạng thử nghiệm cá nhân, nhưng hành động này không những hoàn toàn phản khoa học, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của đôi mắt.

1. Nước cốt chanh có phù hợp với mắt?

Chanh là một loại quả giàu dinh dưỡng, được biết đến với hàm lượng vitamin C (acid ascorbic) cao, cùng với các acid hữu cơ (đặc biệt là acid citric, chiếm đến 5-7%), flavonoid và một số tinh dầu như limonene. Đây đều là những hợp chất mang tính acid mạnh, có tính kháng khuẩn nhẹ, có ích khi sử dụng đúng cách trong thực phẩm hoặc chăm sóc da liễu.

Nước chanh có tính acid mạnh, không phù hợp với mắt.

Tuy nhiên, môi trường sinh lý trong mắt lại hoàn toàn khác biệt. Bề mặt nhãn cầu (giác mạc, kết mạc) có độ pH trung tính (khoảng 7,4) và được bảo vệ bởi một lớp nước mắt mỏng chứa protein, muối và enzyme để duy trì sự cân bằng và ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Việc đưa chất lỏng có tính acid mạnh như nước cốt chanh vào mắt sẽ làm phá vỡ sự cân bằng này, gây kích ứng và tổn thương nghiêm trọng.

Hình ảnh nhỏ chanh vào mắt được lan truyền trên mạng xã hội.

2. Hệ lụy khi nhỏ nước cốt chanh vào mắt

Nhỏ nước chanh trực tiếp vào mắt có thể gây ra nhiều hậu quả cấp tính lẫn lâu dài:

- Gây kích ứng và đau rát dữ dội: Do nước chanh có độ pH thấp (khoảng 2-3), khi tiếp xúc với giác mạc sẽ gây cảm giác rát bỏng, đỏ mắt, chảy nước mắt liên tục và co thắt mi mắt.

- Gây viêm và tổn thương giác mạc: Tình trạng kích ứng nếu kéo dài có thể dẫn đến viêm kết mạc hoặc nghiêm trọng hơn là viêm giác mạc, gây mờ mắt tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

- Tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt: Việc tiếp xúc với acid citric trong nước chanh và mất đi lớp bảo vệ tự nhiên của mắt làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Bên cạnh đó, nước cốt chanh tươi không phải là dung dịch vô trùng. Nó có thể chứa vi khuẩn hoặc nấm từ bề mặt vỏ chanh, dụng cụ vắt hoặc từ môi trường. Khi đưa vào mắt, vi sinh vật này dễ xâm nhập, đặc biệt khi màng mắt đã bị tổn thương bởi acid, làm tăng nguy cơ viêm mủ, áp xe hay loét giác mạc.

- Tác động lâu dài đến thị lực: Nếu tổn thương mắt không được điều trị đúng cách, người dùng có thể đối mặt với sẹo giác mạc, gây giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí mù lòa. Những trường hợp tổn thương nặng có thể cần phải ghép giác mạc để phục hồi chức năng nhìn.

3. Lời khuyên của bác sĩ

Nước chanh là một loại thức uống có lợi cho sức khỏe khi sử dụng hợp lý. Uống nước chanh pha loãng có thể giúp bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa và giải độc nhẹ. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên sử dụng nước chanh để nhỏ vào mắt hoặc bôi lên da vùng quanh mắt.

Giác mạc là một trong những mô nhạy cảm nhất của cơ thể. Việc sử dụng các chất có tính acid như nước chanh là cực kỳ nguy hiểm. Mọi hành vi sử dụng chất lạ vào mắt mà không có chỉ định của bác sĩ đều tiềm ẩn nguy cơ mất thị lực.

Trong y học cổ truyền, việc bảo vệ đôi mắt được đặt lên hàng đầu với quan niệm: "Can khai khiếu ra mắt" - tức là mắt liên quan mật thiết đến tạng Can. Mắt sáng, nhìn rõ là biểu hiện của khí huyết đầy đủ, Can huyết sung mãn. Do đó, theo Y học cổ truyền, để đôi mắt luôn sáng khỏe cần:

- Bổ huyết dưỡng Can: Có thể dùng các thảo dược như câu kỷ tử, hoàng kỳ, đương quy, thảo quyết minh....

- Tĩnh tâm an thần để giảm căng thẳng, một trong những nguyên nhân khiến mắt mỏi, khô, nhòe…

- Sử dụng thuốc nhỏ mắt thảo dược theo chỉ định, như nước sắc cúc hoa hoặc các sản phẩm đông dược được kiểm nghiệm lâm sàng và sản xuất đúng tiêu chuẩn.

Không có bất kỳ một ghi nhận trong y văn nào nói về việc nhỏ nước cốt chanh vào mắt để "làm sáng mắt". Đây là sự ngộ nhận và áp dụng sai lệch, có thể khiến người dân hiểu nhầm, dẫn tới hậu quả khó lường.

Để bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho đôi mắt, thay vì chạy theo các trào lưu phản khoa học, chúng ta nên thực hiện các biện pháp an toàn và khoa học dưới đây:

Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, tránh đưa tay bẩn hoặc dị vật vào mắt.

Đeo kính râm khi ra nắng để bảo vệ mắt khỏi tia UV.

Bổ sung dinh dưỡng tốt cho mắt như vitamin A, C, E, lutein và omega-3 từ thực phẩm (cà rốt, rau xanh đậm, cá hồi…).

Không lạm dụng điện thoại, máy tính trong thời gian dài; tuân thủ quy tắc 20-20-20 (mỗi 20 phút nhìn màn hình, hãy nhìn xa 20 feet (khoảng 6m), trong 20 giây.

Khám mắt định kỳ, đặc biệt nếu có dấu hiệu mỏi mắt, nhức mắt, mờ mắt…

Trào lưu nhỏ nước cốt chanh vào mắt là một ví dụ điển hình của các trào lưu thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. Việc làm này có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thị lực, thậm chí không thể phục hồi.

Người dùng mạng, đặc biệt là giới trẻ, nên tỉnh táo trước các thông tin lan truyền, luôn kiểm chứng với các nguồn thông tin uy tín và tuyệt đối không thử nghiệm những gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Bảo vệ đôi mắt là bảo vệ "cánh cửa" quan trọng nhất dẫn đến thế giới - đừng để một phút tò mò mà cả đời hối tiếc!

BSNT. Phan Bích Hằng
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống

Share with friends

Bài liên quan

80% bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện đều đã quá 'giờ vàng'
Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn cách tra cứu để không mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng
Việt Nam chính thức thanh toán thành công bệnh mắt hột
Vắc xin phòng bệnh sởi là vắc xin an toàn, hiệu quả
Bộ Y tế thông tin nhanh về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Liên bang Nga
5 dấu hiệu phổ biến cảnh báo thiếu hụt vitamin và khoáng chất thiết yếu
Thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng
Các chuyên gia đánh giá về thời điểm kết thúc mùa cúm
Tiêu thụ đồ uống có đường tăng, hàng loạt bệnh tật nguy hiểm 'bủa vây'
Bí quyết giảm cân khoa học sau kỳ nghỉ Tết
5 sai lầm khi ăn uống trong ngày lễ làm tăng mỡ bụng
[Infographics] Năm yếu tố nguy cơ trong mùa bùng phát các bệnh đường hô hấp
Không chủ quan u xơ tử cung
Theo dõi chặt chẽ dịch bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc
5 lý do khiến mỡ máu tăng cao khi thời tiết lạnh
Những vắc xin nên tiêm phòng trước khi mang thai
Một số bài thuốc dân gian sử dụng đường phèn
Hơn 24,5 nghìn ca mắc mới ung thư vú được phát hiện mỗi năm
Nguyên nhân phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp
Vì sao cần tiêm vắc xin sởi trước khi mang thai?
TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN