Trước đây, bệnh nhân ở Đồng Nai bị rối loạn vận động thường phải đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh điều trị, tốn nhiều tiền của, công sức. Từ 2019, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chuyển giao cho Bệnh viện ĐK Đồng Nai liệu pháp tiêm Botulinum toxin nhóm A điều trị các bệnh co cứng cơ do đột qụy, loạn trương lực cơ, co thắt mi mắt, co thắt nửa mặt, loạn trương lực hàm miệng... Người tiếp nhận và triển khai liệu pháp này đầu tiên tại Đồng Nai là BS.CKI Vi Thị Đựng, Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
Bác sĩ Vi Thị Đựng cho biết, năm 2010 chị tốt nghiệp Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, sau đó về làm việc tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện ĐK Đồng Nai. Trong quá trình công tác, chị trực tiếp thăm khám cho các ca lâm sàng tại khoa và thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong điều trị rối loạn vận động cho bệnh nhân.
Để nâng cao kiến thức, tay nghề, từ năm 2015-2017, chị tiếp tục học chuyên khoa I tại Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục đăng ký học chuyên sâu 6 tháng tại Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh về điều trị rối loạn vận động.
BS.CKI Vi Thị Đựng tiêm Botulinum toxin nhóm A điều trị cho bệnh nhân.
Được sự hỗ trợ từ lãnh đạo khoa, lãnh đạo Bệnh viện ĐK Đồng Nai, dưới sự chuyển giao của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, BS.CKI Vi Thị Đựng đã triển khai thành công phương pháp điều trị tiêm botulinum toxin nhóm A trong điều trị rối loạn vận động, nhờ đó bệnh nhân không phải đi xa điều trị, không phải tốn nhiều tiền của, công sức như trước.
BS.CKI Đựng chia sẻ: “Liệu pháp tiêm Botulinum toxin nhóm A là điều trị cho các bệnh nhân bị co cứng cơ do đột qụy, loạn trương lực cơ, co thắt mi mắt, co thắt nửa mặt, loạn trương lực hàm miệng, những trường hợp đau đầu. Sau điều trị, hầu hết bệnh nhân bình phục từ 70-80%, có một số trường hợp bình phục rất tốt, đạt gần 90%. Hiệu quả của thuốc bắt đầu từ 5-7 ngày sau tiêm. Tùy vào mức độ bệnh của bệnh nhân mà từ 3-4 tháng bệnh nhân cần đi tiêm một lần.Trung bình Khoa Nội thần kinh điều trị cho 30-40 bệnh nhân mỗi tháng. Sau 5 năm triển khai, có hơn 1000 lượt bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong điều trị cho bệnh nhân tại tỉnh”.
Điển hình như anh N.V.Đ (52 tuổi, ngụ H.Long Thành) bị tai biến mạch máu não, sau tai biến tay trái và chân trái của anh đều bị liệt. Anh kiên trì tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, sau một thời gian bệnh có thuyên giảm tuy nhiên nhiều khối cơ nửa người bên trái bắt đầu bị co cứng nên việc đi lại và vận động vô cùng khó khăn. “Gia đình đã đưa tôi đến Bệnh viện ĐK Đồng Nai, tại đây tôi được BS Đựng điều trị bằng phương pháp tiêm Botulinum toxin. Sau một thời gian, tôi đã tự đi lại được, cơ thể cảm thấy phục hồi được hơn 70%.” - anh Đ. chia sẻ.
Hay bà N.T.T (50 tuổi, ngụ H.Tân Phú) đi lại khó khăn do rối loạn vận động, đã từng thăm khám nhiều nơi nhưng vẫn chưa phát hiện đúng bệnh. Sau đó bà đến Bệnh viện ĐK Đồng Nai, tại đây BS Đựng cùng đồng nghiệp hội chẩn với các thầy ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh thì phát hiện bà mắc một căn bệnh hiếm, đó là bệnh Huntington. Để có kết quả chính xác, bà được chỉ định xét nghiệm gen, kết quả bà bị bệnh Huntington. Sau 1 năm theo dõi và điều trị, các triệu chứng của bệnh nhân giảm được 60-70%. “Những bệnh lý về gen sẽ không điều trị khỏi được 100%, mà chỉ điều trị để làm giảm các triệu chứng bệnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mỗi lần bệnh nhân khoe những hình ảnh trong cuộc sống đời thường với tôi, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của họ, đó cũng là động lực để tôi cố gắng hoàn thiện chuyên môn của mình để phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn”, - BS Đựng chia sẻ.
Từ những ca lâm sàng trong quá trình điều trị, BS Đựng đã tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, như đề tài: “Đánh giá kết quả điều trị co cứng cơ chi trên sau đột quỵ bằng tiêm Botulinum toxin nhóm A năm 2021”...
BS.CKI Huỳnh Tấn Phúc, Phó Trưởng khoa, Khoa Nội thần kinh- Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết: “BS Đựng là người có đam mê, cầu thị trong công việc, hòa nhã với đồng nghiệp. Kể từ năm 2019, sau khi học khóa đào tạo chuyên sâu về tiêm Botulinum toxin nhóm A trong điều trị rối loạn vận động, BS Đựng đã triển khai phương pháp này tại Khoa Nội thần kinh, điều này mang nhiều lợi ích thiết thực, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí điều trị, giảm quá tải cho tuyến trên”.
Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến với bệnh viện không giới hạn ở người dân trong tỉnh, mà nhiều bệnh nhân ở các tỉnh khác như Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Thuận cũng đến đăng ký điều trị tại bệnh viện.
Rối loạn vận động là hiện tượng suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng kiểm soát các cơ trên cơ thể như: lưỡi, môi, mặt, thân, các chi. Điều này làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, phải phụ thuộc vào người thân… |
Mai Liên