18 năm làm công tác điều dưỡng, cử nhân điều dưỡng Hồ Thị Thắm, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐK Thống Nhất đã góp phần giúp đỡ biết bao bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, giành lại sự sống. Theo chị Thắm, làm bất cứ nghề nào cũng phải yêu nghề và cần có chữ tâm, nghề điều dưỡng lại càng cần giữ cái tâm hơn để chăm sóc, phục vụ, mang lại niềm vui cho bệnh nhân.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người điều dưỡng và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, ngay từ khi ngồi học trên ghế nhà trường hay khi ra trường trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, chị Thắm luôn nỗ lực để hoàn thành tốt công việc và mang lại niềm vui cho người bệnh. Đặc biệt ở môi trường làm việc rất đặc thù như Khoa Cấp cứu, đòi hỏi người điều dưỡng phải khẩn trương kịp thời, thao tác nhanh nhẹn, theo dõi sát tình trạng của người bệnh.
Trong khi làm việc, chị luôn theo sát quá trình của bệnh nhân, nhờ thế chị cùng đồng nghiệp đã kịp thời cấp cứu cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở, ngưng hô hấp tuần hoàn qua cơn nguy kịch. Như trường hợp ông T.N.D. (60 tuổi, ở phương Tân Biên, TP. Biên Hòa) bị ngưng tim ngoại viện, khi bệnh nhân được đưa đến, chị Thắm cùng ê kíp đã nhanh chóng cấp cứu hồi sức tim cho bệnh nhân và sau đó tim bệnh nhân đã có trở lại. Đến nay, 18 năm trong nghề chị Thắm cũng không nhớ mình đã cấp cứu thành công bao nhiêu bệnh nhân qua cơn nguy kịch, để giành lại sự sống.
.JPG)
Chị Thắm đang kiểm tra huyết áp cho một bệnh nhân vào cấp cứu.
Chị Thắm chia sẻ: “Con người khi ở giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, mới thấy được sống mới là quý giá hơn mọi thứ trên đời. Nhiệm vụ của người điều dưỡng ngành y chính là cố gắng hết sức để mang đến sự sống cho bệnh nhân, không bỏ sót bất cứ một tia hy vọng mong manh nào. Khi thấy các triệu chứng của bệnh nhân thuyên giảm, dần ổn định lại sức khỏe, bản thân rất vui. Đó là ngọn lửa thổi vào lòng yêu nghề điều dưỡng mỗi ngày một lớn hơn, niềm động viên để gắn bó với công việc của mình nhiều hơn”.
Chị Thắm cũng cho hay, mỗi bệnh nhân vào đây cấp cứu đều có hoàn cảnh và bệnh khác nhau, tuy nhiên chị vẫn đồng cảm và thương cho những bệnh nhân vô gia cư không có người thân. Người điều dưỡng là người tiếp xúc nhiều và gần nhất với bệnh nhân, nên cái tâm của người điều dưỡng không chỉ thực hiện theo đúng y lệnh của bác sĩ, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, tiêm, truyền… mà cần có sự quan tâm tỷ mỷ đến người bệnh. Khi gặp những trường hợp bệnh nhân không có người thân, bên cạnh việc cấp cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chị luôn giành thời gian an ủi, động viên, khích lệ người bệnh tích cực vượt qua nguy kịch.

Chị Thắm hỗ trợ cùng người nhà đưa bệnh nhân vào cấp cứu.
Làm việc ở Khoa Cấp cứu, người điều dưỡng cũng chịu rất nhiều áp lực, bởi sự nguy kịch của người bệnh cho đến sự lo lắng của người nhà. Nhất là vào các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, lễ Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện đông với nhiều loại bệnh khác nhau. Có những ngày bệnh đông vào cấp cứu hơn 100 ca, có những ca bị đa chấn thương rất nguy kịch, tuy nhiên vì tính mạng sức khỏe của bệnh nhân, người điều dưỡng luôn cố gắng làm tốt công việc để bệnh nhân nhanh khỏe lại .
“Cực nhất vẫn là khoảng thời gian bùng dịch COVID-19, không chỉ riêng bản thân tôi mà tất cả ngành y. Thời điểm đó phải mặc áo đồ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân, để tránh không lây nhiễm, khi đó khát nước cũng không giám uống, xong việc cởi đồ bảo hộ ra thì người ướt đẫm. Giờ nghĩ lại khoảng thời gian đó, thấy mình cùng đồng nghiệp vượt qua rất giỏi” – chị Thắm nói.
Mặc dù chịu nhiều áp lực, vất vả và không kém phần thiệt thòi, theo chị Thắm khi đã đứng trong hàng ngũ ngành y mình phải chấp nhận, nỗ lực, không ngừng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Tôi mong muốn nghề điều dưỡng luôn được mọi người tôn trọng, hiểu được công việc của người điều dưỡng, có môi trường làm việc tốt và chế độ đãi ngộ phù hợp hơn” – chị Thắm nói.
Sao Mai