Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài xen lẫn những cơn mưa bất ngờ nên độ ẩm trong không khí cũng tăng cao, cùng với khói bụi và ô nhiễm môi trường,… đã tạo cho vi rút, vi trùng phát triển mạnh và bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm tấn công con người, trong đó trẻ em do sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như: Tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), viêm đường hô hấp,…
Để hiểu rõ nguyên nhân gây ra các bệnh mà trẻ thường gặp vào mùa hè, những triệu chứng để nhận biết cũng như cách phòng ngừa, phóng viên CDC Đồng Nai đã cuộc trao đổi với BS.CKI Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Cấp cứu – Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
PV: Xin bác sĩ cho biết vào mùa hè trẻ em thường mắc bệnh nào nhiều nhất?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Vào mùa hè do nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi đột ngột do mưa nắng thất thường, độ ẩm cao đã tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, virus sinh sôi, phát triển mạnh dẫn đến trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, các bệnh lý đường hô hấp… chiếm tỉ lệ cao so với các bệnh khác.
PV: Như bác sĩ vừa chia sẻ vào mùa hè trẻ em dễ mắc các bệnh TCM, SXH,…theo báo cáo của CDC Đồng Nai từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 1.400 ca mắc bệnh TCM, riêng tuần qua đã có trên 250 ca và vẫn còn dấu hiệu gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh TCM, thưa bác sĩ?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch rất nguy hiểm. Bệnh gây ra do virus đường ruột, hai tác nhân thường gặp là coxsakievirus và Enterovirus (EV71).
Bệnh TCM lây chủ yếu qua đường tiêu hoá từ nước bọt, phân hoặc qua phỏng nước của trẻ. Do vậy, bệnh dễ lây lan khi sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, nơi chơi đùa tập trung…
Bệnh TCM xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh có xu hướng tăng cao khoảng vào đầu mùa mưa (T3 – T5) và đầu mùa khô (T9 – T12).
Bác sĩ khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
PV: Thưa bác sĩ, có dấu hiệu điển hình nào để nhận biết trẻ bị mắc bệnh TCM không?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Biểu hiện của bệnh TCM là nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ở mông, quanh miệng, môi, nền họng, niêm mạc miệng lưỡi, nướu,.. khi vỡ thành loét; có thể có sốt hoặc không có sốt. Có những trường hợp người nhà thấy bé ăn uống kém hơn, chảy nước dãi cũng có thể là biểu hiện của loét miệng nên cần tới BS thăm khám để phát hiện kịp thời.
PV: Trong trường hợp nào thì cha mẹ/người chăm sóc trẻ cần cho trẻ nhập viện ngay để thăm khám và điều trị kịp thời, thưa bác sĩ?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Khi có các dấu hiệu như trẻ sốt cao liên tục không hạ; co giật mình, rùng mình; tay chân yếu đi lại loạng choạng; bứt rứt, hoảng hốt; thở nhanh, thở gắng sức, mệt nhọc hoặc môi tím tái… thì phải đưa trẻ ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
PV: Bệnh TCM có biến chứng hay không? Và biến chứng thường gặp là gì thưa bác sĩ?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Bệnh tay chân miệng có nhiều mức độ, nếu nhẹ thì bé tự hồi phục và khỏi hoàn toàn sau 7 ngày. Tuy nhiên cũng có những trường hợp biến chứng nặng. Biến chứng nặng thường xảy ra ở trẻ bị nhiễm chủng virus EV71. Các biến chứng này bao gồm:
Biến chứng não: viêm não, viêm thân não, viêm não tuỷ. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,...
Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
PV: Xin bác sĩ cho biết, hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị nội trú cho bao nhiêu trẻ bị bệnh TCM? Số trẻ bị TCM ở lứa tuổi nào nhiều nhất?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Hiện bệnh viện Nhi đồng Đồng Naiđang điều trị nội trú cho 50 trẻ bị TCM, số trẻ nhập viện vì bệnh TCM tăng mỗi ngày, trong đó có ca rất nặng phải lọc máu chu kỳ và có khoảng 15 trường hợp khác phải điều trị thuốc đặc hiệu. Trẻ bị TCM phổ biến từ 1 - 5 tuổi, thường gặp nhất là từ 1-3 tuổi.
PV: Khi trẻ bị bệnh TCM có phải cách ly hay không? cha mẹ/người chăm trẻ cần làm gì để tránh lây bệnh cho trẻ khác, thưa bác sĩ?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây nhiễm từ giai đoạn ủ bệnh tới khi hết các sang thương da và miệng. Vì vậy cần cách ly trẻ khoảng 10 ngày từ khi khởi phát bệnh. Trong thời gian đó vừa cách ly phòng lây nhiễm cho các trẻ khác vừa theo dõi để phát hiện các biến chứng kịp thời điều trị cho bé.
PV: Vậy, xin bác sĩ cho biết những biện pháp để phòng bệnh TCM cho trẻ hiệu quả?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Như trên đã nói, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm, lây qua dịch tiết nước bọt, phân và phỏng nước của trẻ. Vì vậy, để phòng bệnh lây sang các bé khác phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh nếu không cần thiết.
- Cách ly trẻ bệnh: không cho trẻ đến trường hoặc các nơi tập trung đông người trong vòng 10 ngày của bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh bề mặt và đồ chơi của trẻ.
- Vệ sinh xử lý chất thải, quần áo, chăn mền của trẻ để tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.
Ngoài ra cũng cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho trẻ chống lại các căn bệnh truyền nhiễm khác.
PV: Ngoài bệnh TCM, mùa hè này trẻ cũng thường mắc các bệnh lý hô hấp, xin bác sĩ cho biết rõ hơn về điều này?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Ngoài bệnh TCM, thì mùa hè này trẻ cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp như: viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, Hen phế quản…
Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lây nhiễm qua đường hô hấp qua các giọt bắn. Vì vậy, cần cho trẻ mang khẩu trang khi đến chỗ đông người để tránh lây nhiễm chéo.
Bệnh hô hấp biểu hiện với sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi. Nặng hơn trẻ có thể khó thở, bỏ ăn, bỏ bú,…Vì vậy, quý phụ huynh khi thấy trẻ có triệu chứng sốt ho, chảy mũi thì nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
PV: Ngoài các bệnh lý bác sĩ vừa chia sẻ ở trên thì vào mùa hè trẻ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nào khác để quý phụ huynh lưu ý phòng ngừa cho trẻ không, thưa bác sĩ?
BS.CKI Nguyễn Văn Sửu: Ngoài bệnh TCM và hô hấp thì trẻ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm khác như: Sốt xuất huyết, thuỷ đậu, tiêu chảy cấp, cúm mùa… Để phòng tránh các bệnh này, quý phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn chín, uống sôi; rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang khi đến chỗ đông người; cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ theo lịch khuyến cáo; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; rửa tay và đồ chơi của trẻ thường xuyên; hạn chế cho trẻ đến nơi đông người để tránh lây nhiễm chéo./.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Bích Ngọc