Rửa tay với xà phòng và nước sạch là việc làm rất quan trọng, hành động này giúp chúng ta ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân và cộng đồng.
BS Đào Ngọc Anh, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai chia sẻ: “Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được xem là biện pháp đơn giản nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất. Đây là biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn quan trọng nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai mạnh mẽ và rộng khắp trên toàn thế giới. Hiện nay có hai phương thức vệ sinh tay phổ biến đó là sát khuẩn nhanh bằng cồn và rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
Riêng rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là cách được triển khai và hướng dẫn sâu rộng trong cộng đồng”.
Trên bàn tay có hai phổ vi khuẩn. Một là phổ vi khuẩn định cư nằm ở lớp sâu biểu bì và hai là phổ vi khuẩn vãng lai. Phổ vi khuẩn vãng lai thường nằm ở bề mặt biểu bì mà hàng ngày chúng ta tiếp xúc với đồ vật chứa tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, nấm, dịch tiết cơ thể. Phổ vi khuẩn này có thể dễ dàng được loại bỏ phần lớn thông qua việc rửa tay.

Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai hướng dẫn các bước rửa tay đúng cách để phòng bệnh cho học sinh ở phường Tân Mai.
Có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây lan qua tiếp xúc bàn tay như tiêu chảy, giun sán, tay chân miệng, nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng, phế cầu, COVID-19... Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh, làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh dịch nguy hiểm trên chỉ với động tác rất đơn giản, đó là rửa tay với xà phòng và nước sạch. “Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ việc rửa tay sẽ giảm được 23-40% số người mắc bệnh tiêu chảy, nhất là đối với những người có hệ miễn dịch yếu thì tỉ lệ này lên đến 58%; Giảm 16-21% các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh; Giảm 29-57% tỉ lệ trẻ em phải nghỉ học do các bệnh về đường tiêu hóa; Ngoài ra việc rửa tay còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh, lan truyền dịch bệnh và giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện”, BS Ngọc Anh cho biết.
Việc thực hiện rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cần được thực hiện tại những thời điểm quan trọng như: Trước, trong và sau khi chế biến đồ ăn; Trước khi chạm tay lên mắt, mũi, miệng; Trước và sau khi chăm sóc vết thương hở, trước và sau khi thực hiện chăm sóc người ốm hay trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; Sau khi đi vệ sinh, thay tã, vệ sinh bồn cầu; sau khi hắt hơi, xì mũi, ho; Sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc và chất thải động vật; Sau khi chạm rác thải hay nước thải.
“Mặc dù, dịch COVID-19 đã ổn định, chúng ta đang sống trong thời kỳ bình thường mới, nhưng xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều bệnh truyền nhiễm lây truyền bệnh thông qua bàn tay. Mỗi cơ sở làm việc, cơ sở giáo dục, địa điểm vệ sinh công cộng cần có những thiết bị phục vụ việc rửa tay như xà phòng, nguồn nước, giấy lau và luôn sẵn sàng hoạt động. Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức trong việc vệ sinh cá nhân bằng hành động nhỏ là rửa tay, đưa vệ sinh tay sớm trở thành thói quen và văn hóa chung của một xã hội mới văn minh”, BS Ngọc Anh khuyến cáo.
Mai Liên