Thời gian gần đây, thời tiết khu vực phía Nam nắng nóng kéo dài, đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp. Chính vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe.
Người già, trẻ em đều mắc bệnh
Bà N.T.N. (96 tuổi), từ tỉnh Bến Tre đến nhà con gái ở xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) chơi. Cách đây ít ngày, bà N. được các con đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, ho có đàm, mệt mỏi, sốt. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà N. bị viêm phổi, được điều trị thuốc, thở ôxy. Sau 5 ngày điều trị, bà N. đã dần ổn định sức khỏe, hết khó thở.
Còn chị Nguyễn Thúy Hồng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đưa con đi khám tại bệnh viện cũng cho biết, cả 4 người trong gia đình chị đều xuất hiện các triệu chứng của bệnh cảm cúm như: ho, sốt, mệt mỏi và đều phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
BS.CKI Nguyễn Phan Thu Lệ - Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark cho biết, thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, nhất là ở trẻ em và người già, đặc biệt là những người đang mắc các bệnh mạn tính, sức đề kháng yếu.
Nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp gia tăng những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng cũng như vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, là cơ hội để bệnh đường hô hấp và một số bệnh khác bùng phát.
Điều dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai đang chăm sóc bệnh nhân bị viêm phổi.
Không chủ quan với bệnh đường hô hấp
Chị N.T.T cho hay, chị bị ho, sốt, mệt mỏi nhưng do chủ quan nên tự mua thuốc uống, khi thấy tình trạng bệnh không đỡ mà có cảm giác đau ngực chị đã đi khám và phải nhập viện. Qua thăm khám, chụp phim, bác sĩ phát hiện một phần phổi của chị T. bị trắng và chẩn đoán bị viêm một thùy phổi.
Theo ThS-BS Phí Thị Lệ Tân, Khoa Nội, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai, đây là ca bệnh nặng và khó tìm ra nguyên nhân, bệnh cũng diễn tiến khá nhanh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị khó thở, suy hô hấp, thậm chí là nhiễm trùng huyết. Phương pháp điều trị là kết hợp ít nhất 2 loại thuốc kháng sinh, hạ sốt và tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc, thời gian điều trị từ 7-10 ngày. Ngược lại, thời gian điều trị sẽ lâu hơn và bác sĩ phải đổi loại thuốc kháng sinh khác phù hợp với bệnh nhân.
Bệnh viêm đường hô hấp được chia làm 2 loại: viêm đường hô hấp trên (gây ra các triệu chứng: nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho, đau rát họng, đau đầu, đau cơ hoặc khó thở, đau nhức vùng xoang, nôn, buồn nôn, khàn giọng…); viêm đường hô hấp dưới (gây ra các triệu chứng nặng hơn như: ho dữ dội, ho có đờm, sốt cao, nhịp tim nhanh, thở khò khè, khó thở, cảm thấy nặng hoặc đau ở ngực).
Để phòng ngừa bệnh đường hô hấp, đối với trẻ nhỏ cần được tiêm vắc xin ngừa cúm và phế cầu đầy đủ. Người lớn nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mỗi năm một lần. Khi đang ở trong phòng máy lạnh không nên đột ngột ra ngoài nắng ngay hoặc ngược lại để tránh bị sốc nhiệt.
Người dân cũng cần hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt khi cơ thể không khỏe nhằm tránh lây nhiễm chéo. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để loại bỏ vi rút và vi khuẩn, đặc biệt là sau khi đi chơi, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
Thực hiện giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực khi đi ngủ và khi di chuyển đến khu vực có thời tiết lạnh. Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên lau dọn đồ chơi và các vật dụng thường tiếp xúc. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, giàu vitamin C và D để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Thanh Tú