Sau thời gian tạm dừng, Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” do USAID tài trợ đã được tái khởi động tại Đồng Nai. Nhiều hoạt động ý nghĩa đang được triển khai, mang lại cơ hội can thiệp sớm và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Đồng Nai là một trong 8 tỉnh trên cả nước được Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thực hiện Dự án Hòa nhập, với tên gọi: “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam – Hợp phần tại tỉnh Đồng Nai”.
Sau thời gian gián đoạn do điều chỉnh chính sách từ phía Chính phủ Hoa Kỳ, từ tháng 6-2025, dự án đã chính thức được tái khởi động. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Một trong những nội dung trọng điểm của Dự án là chương trình “Khám - Đánh giá - Can thiệp cho trẻ nghi ngờ khuyết tật phát triển”, do Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức thực hiện.
Tham gia chương trình, trẻ được bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia khám sàng lọc, tư vấn chuyên môn, đồng thời phụ huynh được giải thích cụ thể về mức độ nguy cơ của trẻ. Những trường hợp có dấu hiệu rõ ràng sẽ được giới thiệu đến các trung tâm phục hồi chức năng, can thiệp sớm hoặc khám chuyên sâu, để xây dựng phác đồ điều chỉnh phù hợp nhất cho từng trường hợp.

Hoạt động thăm khám cho trẻ trong Chương trình Khám - Đánh giá - Can thiệp cho trẻ nghi ngờ khuyết tật phát triển do Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tổ chức.
Trong đợt triển khai, chương trình đã khám, đánh giá cho khoảng 300 trẻ dưới 16 tuổi có nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán khuyết tật phát triển. Đa số các trường hợp đến khám gặp vấn đề như rối loạn ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, kèm theo các rối loạn tâm lý, tâm thần, chứ không đơn thuần chỉ là rối loạn vận động.
BS Võ Thị Hoài Thương, phụ trách Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng – Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Qua thăm khám, phần lớn các bé đều ở mức độ không nhẹ. Với những trường hợp nhẹ, chúng tôi hướng dẫn phụ huynh can thiệp tại nhà, tập trung thời gian hỗ trợ con đúng cách. Còn với những trường hợp cần điều trị bằng thuốc, bệnh viện sẽ chuyển sang Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để đảm bảo tiếp cận thuốc theo diện bảo hiểm y tế.”
Chị Bùi Thị Nga (ngụ phường Trảng Dài) chia sẻ: “Con tôi sinh năm 2018, bị chậm phát triển. Trước đó gia đình có đưa đi can thiệp nhưng chưa có kết quả. Qua chương trình này, tôi rất hy vọng con sẽ cải thiện tốt hơn để phát triển như các bạn đồng trang lứa.”
Cùng hoàn cảnh, chị Trần Minh Như Thủy (ngụ phường Trấn Biên) cũng có con mắc rối loạn phổ tự kỷ. Chị mong muốn chương trình hỗ trợ can thiệp để bé có thể hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh viện là một trong những đơn vị tuyến tỉnh thực hiện khám, điều trị vật lý trị liệu cho người khuyết tật trên địa bàn. Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn và sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ can thiệp cho người khuyết tật.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Thư ký Dự án ghi nhận nỗ lực triển khai dự án của Đồng Nai cũng như sự phối hợp tích cực từ các đối tác. Theo ông, khi tỉnh Bình Phước và Đồng Nai bước vào giai đoạn chuyển giao, sáp nhập hành chính, sẽ xuất hiện một số thách thức như thay đổi cơ cấu tổ chức, điều chỉnh phân bổ nguồn lực... Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc toàn diện hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật theo hướng tập trung, hiệu quả và bền vững hơn.
Việc hợp nhất sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, tăng cường hiệp đồng giữa các ban ngành và đối tác thực hiện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng, nhân rộng các mô hình can thiệp phù hợp trong giai đoạn tới.
ThS Huỳnh Nam Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, ngành Y tế luôn xác định rõ trách nhiệm trong việc hỗ trợ người khuyết tật hướng tới một xã hội công bằng, nhân văn, nơi mọi người đều có cơ hội học tập, lao động, cống hiến. Sở Y tế cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả Dự án và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cũng như nguồn lực từ quý tổ chức để các hoạt động của Dự án ngày càng lan tỏa các giá trị thiết thực, bền vững.
Mai Liên