Ngày 27 tháng 12 là Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh do Việt Nam đề xuất và đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đồng thuận, thông qua trong Nghị quyết số A/RES/75/27 ngày 7 tháng 12 năm 2020.
Ngày 27-12 được chọn làm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế dự phòng. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.
Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và các quốc gia về việc thường xuyên phòng chống dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Đến thời điểm hiện tại, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Từ đầu năm 2023 đến ngày 23/11, toàn tỉnh ghi nhận: 2.557 ca mắc bệnh COVID-19, giảm 98,23% so với cùng kỳ 2022 (144.375 ca); 4.942 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 81,39% so với cùng kỳ năm 2022, số ca tử vong là 5 ca, giảm 14 ca so với cùng kỳ 2022 (19 ca); 10.520 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 51,72% so với cùng kỳ 2022 (6.934 ca); 2 ca tử vong do bệnh dại; 3 ca mắc bệnh sởi và 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Người dân xã Phú Lợi, huyện Định Quán ra quân thực hiện chiến dịch "Ngày cuối tuần phòng Sốt xuất huyết".
Tuy nhiên, các dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai đang diễn biến phức tạp. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác điều trị bệnh lý hô hấp ở trẻ em và một số bệnh đang lưu hành khu vực phía Nam (ngày 17-11) do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng tại một số bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực phía Nam còn cao, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ca nặng và tử vong (21ca/ 13 tỉnh, thành phố), bệnh nhiễm khuẩn hô hấp đang tăng cả số ca khám, nhập viện và tử vong.
Thời gian sắp tới là thời điểm người dân được nghỉ tết dương lịch, Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch, tập trung đông người tại các khu vực công cộng sẽ tăng cao, cùng thời tiết giao mùa thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, lây lan. Các bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin như sởi, ho gà, bạch hầu…cũng có nguy cơ tăng cao do miễn dịch giảm, tiêm chậm hoặc không tiêm vắc xin; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi vẫn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước nói chung, trong địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Cần sự chung tay của người dân cùng ngành y tế phòng chống dịch bệnh
Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào mỗi gia đình, mỗi địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng. Không ai có thể đảm bảo mình sẽ an toàn khi cộng đồng còn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Do đó, để phòng chống dịch bệnh tốt trên địa bàn tỉnh ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cần sự chung tay của toàn thể nhân dân. Người dân cần tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế.
Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu,… người dân nên chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đặc biệt các bệnh có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván,… cần đảm bảo trẻ em trong gia đình được tiêm đủ các mũi vắc xin này. Đối với các bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như sốt xuất huyết người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi, thực hiện các biện pháp dự phòng để phòng, chống dịch bệnh.
Với tình hình các dịch, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan và gây dịch trong thời điểm giao mùa và trong kỳ nghỉ lễ, Tết, mùa lễ hội đầu năm sắp tới toàn dân cần chung tay cùng ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh.
BS.Hồ Thị Hồng