Vừa qua, đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) do GS-TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi Chức năng Việt Nam làm Phó Trưởng đoàn đã đến làm việc với Sở Y tế và các đơn vị: Bệnh viện ĐK Đồng Nai, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Y tế huyện Long Thành để kiểm tra, đánh giá công tác phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra cho thấy, công tác PHCN trên địa bàn được quan tâm, chú trọng, hoạt động PHCN phát triển tương đối toàn diện. Tuy nhiên hiện nay do thiếu bác sĩ PHCN nên công tác này còn gặp không ít khó khăn.
Quan tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, trên địa bàn Đồng Nai có khoảng 154-162 ngàn người khuyết tật, chiếm 5,6-6% dân số. Trong đó, có 10-15% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 85-90% khuyết tật nhẹ.
Hoạt động PHCN cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua luôn được quan tâm chú trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai các hoạt động PHCN từ 4 dự án lớn nhằm giúp người khuyết tật tái hoà nhập cộng đồng, đó là các dự án: Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam; Tăng cường chăm sóc y tế và phục hồi chức năng; Thực thi quyền về trị liệu cho người khuyết tật; Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật từ 0-6 tuổi.

Đoàn công tác Bộ Y tế thăm các bệnh nhân tại Khoa PHCN Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
Để thực hiện tốt việc điều trị PHCN cho người bệnh, người khuyết tật, toàn tỉnh có 7 đơn vị đã thành lập khoa PHCN gồm 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 2 bệnh viện chuyên khoa, 3 bệnh viện đa khoa khu vực. Ngoài ra, có 8/11 trung tâm y tế cấp huyện đã có khoa y học cổ truyền, PHCN. Tất cả các đơn vị này đều được cung cấp một số loại hình dịch vụ PHCN theo danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cùng với sự phù hợp về trình độ chuyên môn của bác sĩ và kỹ thuật viên thực hiện điều trị được bảo hiểm xã hội chi trả. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 38.600 lượt khám, lượng giá PHCN, hơn 163.400 lần thủ thuật PHCN và trên 600 trẻ em được điều trị PHCN tại cơ sở y tế.
Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Phùng Văn Thanh, cho biết hiện nay bệnh viện cơ bản đáp ứng được điều trị PHCN cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, hạn chế vận động, một số trẻ bị bại não, sốt bại liệt bẩm sinh… Những trường hợp đang điều trị tại bệnh viện đang cải thiện dần dần và có những bệnh nhân cải thiện rất tốt.
Tại buổi kiểm tra các hoạt động PHCN, BSCKII Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Đoàn công tác Bộ Y tế) đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế cũng như lãnh đạo Bệnh viện ĐK Đồng Nai về các hoạt động PHCN. Bệnh viện đã trang bị được nhiều loại máy móc tối tân, các phòng hoạt động trị liệu theo mô hình giống như nước ngoài thậm chí còn tốt hơn, về âm ngữ trị liệu có phòng tập rất tốt. Đồng Nai phát triển tốt cả 3 phương án trị liệu của PHCN đó là Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu.
Thiếu bác sĩ PHCN
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 206 cán bộ làm công tác PHCN, trong đó có 35 bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền được đào tạo định hướng PHCN; 11 bác sĩ chuyên khoa PHCN có chứng chỉ hành nghề mở rộng; 160 kỹ thuật viên được đào tạo kiến thức PHCN.

Bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu tại Khoa PHCN Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
BS CKII Nguyễn Trọng Châu, Trưởng khoa PHCN Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết: Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 160-170 bệnh nhân, bao gồm các bệnh như: chấn thương sọ não, đột quỵ giai đoạn cấp, bán cấp, bệnh nhân từ các khoa, trại nội trú: hô hấp, nội tiết, ngoại tổng quát, ngoại lồng ngực, cấp cứu chấn thương chỉnh hình… Mặc dù khoa được đầu tư các trang thiết bị tương đối tốt, tuy nhiên hiện nay về nhân lực cả khoa chỉ có 3 bác sĩ, trong đó có 02 bác sĩ đang đi học, vì vậy rất thiếu về bác sĩ chuyên ngành PHCN.
Tương tự, tại Bệnh viện Y học cổ truyền cũng đang thiếu nhân lực về chuyên ngành PHCN, hiện bệnh viện có 02 bác sĩ chuyên ngành PHCN đủ tiêu chuẩn kê đơn thanh toán bảo hiểm y tế. Để có thể đáp ứng được nhân lực trong chuyên ngành này, thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục cử các bác sĩ đi học thêm định hướng PHCN, tuyển dụng bác sĩ PHCN theo đúng quy định để đảm bảo phục vụ tốt cho bệnh nhân.
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai chia sẻ: PHCN là một chuyên khoa rất hữu ích, tuy nhiên hiện nay rất ít người người định hướng theo ngành này. Hiện nay để thu hút được các bác sĩ theo ngành PHCN thì cần có một định hướng chiến lược phát triển nhân lực về PHCN, cụ thể phải có chế độ khuyến khích, ưu tiên, ưu đãi cho các bác sĩ PHCN.
BS Nguyễn Đăng Khoa cho biết thêm, hiện nay ngành PHCN khó về nhân lực bác sĩ vì các bác sĩ đang chú ý đến đào tạo đa khoa chưa chú trọng đến PHCN, tuy nhiên hiện nay Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chương trình PHCN. Hy vọng sau này các bác sĩ ra trường sẽ có nhiều người định hướng theo ngành PHCN. Để phát triển mạnh công tác PHCN trên địa bàn, Đoàn công tác Bộ Y tế cũng kiến nghị Sở Y tế Đồng Nai cần có các chính sách khuyến khích, động viên, thu hút bác sĩ đa khoa làm công tác PHCN.
Thanh Tú