Năm 2024, bên cạnh các dịch bệnh đang lưu hành, tỉnh Đồng Nai bùng phát trở lại nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bệnh sởi, ho gà, bệnh dại. Đáng chú ý, gần đây, bệnh sởi đã bùng phát mạnh với số ca mắc hơn 6.000 ca, có 2 ca tử vong. Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) đã và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực chống dịch.

TS.BS Trần Minh Hòa  - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.

----------------------------------------------------------------------------------------------------
Thưa TS.BS Trần Minh Hòa, trong năm 2024, bên cạnh các dịch bệnh đang lưu hành thì tỉnh Đồng Nai bùng phát trở lại nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế trước đây, như: sởi, ho gà, bệnh dại. Xin ông cho biết nguyên nhân và diễn biến các bệnh này?

TS.BS Trần Minh Hòa  - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai: Năm 2024, bên cạnh các dịch bệnh đang lưu hành như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, HIV, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận sự bùng phát trở lại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được khống chế trước đây như sởi, ho gà, bệnh dại.

Năm 2023, toàn tỉnh chỉ có 3 ca mắc sởi thì năm nay, đến hiện tại, số mắc sởi đã tăng lên hơn 6.000 ca. Trong đó có 2 ca tử vong. Ngày 16/6/2024, tỉnh Đồng Nai ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên. Sau đó tăng dần và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.  Số ca mắc sởi phân bổ rộng khắp 11/11 huyện, thành phố. Trong tổng số các ca mắc, chỉ có 7,2% đã được tiêm vắc xin có thành phần sởi.

Bên cạnh dịch bệnh sởi, bệnh dại cũng đã quay trở lại vào tháng 12 năm 2022 sau 6 năm liên tục không có ca mắc. Đến nay, bệnh dại vẫn tiếp tục lây lan với 37 ổ dịch dại trên chó (tăng 3 ổ so với cùng kỳ năm 2023) và 3 người tử vong. 

Đối với bệnh ho gà, năm 2023 không có ca mắc, nhưng năm nay đã ghi nhận 22 ca, rải rác ở Biên Hòa, Định Quán, Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự quay trở lại của những dịch bệnh này nhưng nguyên nhân chính là do lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng. Trong giai đoạn dịch COVID-19, nhiều loại vắc xin không được cung cấp đủ nên việc tiêm ngừa bị gián đoạn. Mặt khác, giai đoạn dịch COVID-19 và hậu COVID-19, nhiều phụ huynh do lo sợ ảnh hưởng của dịch nên không đưa trẻ đi tiêm ngừa. Tương tự, đối với bệnh dại, trong thời gian dịch COVID-19, việc tiêm ngừa vắc xin dại cũng bị gián đoạn nên miễn dịch trong đàn chó cũng yếu dần, dẫn đến sự quay trở lại của bệnh dại. 

TS.BS Trần Minh Hòa kiểm tra thông tin vắc xin trong hoạt động giám sát chiến dịch tiêm ngừa sởi-rubella tại P.Long Bình, TP. Biên Hòa.

Trước sự bùng phát này, CDC Đồng Nai đã làm gì để ứng phó hiệu quả các dịch bệnh, thưa ông?

TS.BS Trần Minh Hòa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai: Để ứng phó hiệu quả trước các dịch bệnh, CDC Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, kiểm tra giám sát, đến các biện pháp phòng ngừa như triển khai tiêm ngừa vắc xin, truyền thông để người dân hiểu và tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Đối với dịch bệnh sởi, Đồng Nai đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa sởi-rubella (MR) trên quy mô toàn tỉnh cho hơn 80 ngàn trẻ từ 1-10 tuổi. Đồng thời, tiêm cho hơn 2.800 nhân viên y tế có nguy cơ cao tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Hiện CDC đang tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm sởi đợt 2. Tính đến ngày 20/12/2024, tổng số trẻ đã được tiêm vắc xin MR là 94.660 trẻ. Các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi sởi đi tiêm ngừa. Theo thống kê sơ bộ, đến nay, tỉnh Đồng Nai cần thêm khoảng 14.750 liều vắc xin sởi để tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi.

Đối với bệnh ho gà, mặc dù số ca mắc chưa cao, nhưng CDC cũng đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, xử lý ca bệnh, truyền thông nâng cao nhận thức người dân về căn bệnh nguy hiểm này.

Đối với bệnh dại, CDC Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh triển khai tiêm ngừa vắc xin và huyết thanh kháng dại trên người, thì công tác điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch trên động vật cũng được chú trọng, vì truy vết, xử lý được ổ dịch dại trên chó, mèo thì mới kiểm soát được dịch dại trên người.

Tóm lại, với các giải pháp tích cực từ ngành y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan và các cấp chính quyền, đến nay, các dịch bệnh dù diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. CDC Đồng Nai đang từng bước khống chế để đẩy lùi các loại dịch bệnh truyền nhiễm. 

Như ông vừa chia sẻ, tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi. Tuy nhiên, đến nay, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng. Vậy CDC Đồng Nai dự báo dịch tễ của bệnh sởi như thế nào và phương hướng để ứng phó trong thời gian tới?

TS.BS Trần Minh Hòa  - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai: Để tạo ra miễn dịch cộng đồng thì cần phải đảm bảo độ bao phủ vắc xin, cũng cần có thời gian vì tùy vào cơ địa từng người mà thời gian và mức độ tạo ra miễn dịch khác nhau. Hiện nay chúng ta chưa đủ độ bao phủ vắc xin cho cộng đồng, nghĩa là cùng với số trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm ngừa sởi thì số trẻ dưới 1 tuổi, trên 10 tuổi và người lớn chưa được tiêm cũng chưa có đủ miễn dịch với bệnh sởi. Do đó, số ca mắc sởi vẫn chưa thể dừng lại trong ngắn hạn. 

Theo đánh giá của CDC, nếu trong giai đọan dịch sởi bùng phát, lan rộng, ngấm sâu như hiện nay mà chỉ triển khai tiêm bù, tiêm vét vắc xin MR với số lượng hạn chế thì không phù hợp nữa. Cần mở rộng đối tượng tiêm ngừa sởi, MR và không phân biệt lịch sử tiêm chủng, có như vậy thì mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh sởi.

Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, nhân ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27/12), ông có điều gì muốn chia sẻ liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới?

TS.BS Trần Minh Hòa  - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai: Đúng là phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh và ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh là dịp để kêu gọi và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, mỗi địa phương, mỗi quốc gia và toàn cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh lần đầu tiên tổ chức vào ngày 27 tháng 12 năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng các dịch bệnh khác vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội lâu dài. Nếu không có sự quan tâm của quốc tế, các dịch bệnh trong tương lai có thể vượt qua các đợt bùng phát trước đây về cường độ và mức độ nghiêm trọng. Do đó, cần nâng cao nhận thức, trao đổi thông tin, kiến thức khoa học và các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Thời gian tới, do nhiều yếu tố cùng với biến đổi khí hậu, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó, CDC cũng đang xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho năm 2025 để chủ động triển khai. Với mục tiêu chung là: Giảm tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế kịp thời, không để xảy ra dịch lớn, kéo dài. 

Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phòng ngừa các yếu tố biến đổi khí hậu, các bệnh xã hội, bệnh nhiễm trùng, bệnh nghề nghiệp…

Tiếp tục tham mưu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đáp ứng nguồn lực phòng chống dịch của chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành, đa ngành; nâng cao năng lực bộ máy, năng lực chuyên môn sâu về y tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phòng chống dịch bệnh.

Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu đó, ngành y tế hy vọng, năm 2025, dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng dịch bùng phát mạnh, kéo dài. 

Xin cảm ơn TS.BS Trần Minh Hòa!

Thiên Thanh (thực hiện)

Share with friends

Bài liên quan

Khẩn trương triển khai các giải pháp để khống chế, sớm dập dịch sởi
[Video] Tọa đàm: Tiêm vắc xin – Biện pháp phòng bệnh Sởi hiệu quả
Từ đầu năm 2024, cả nước có hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại
Vì sao cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi?
[Infographic] Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván – bạch hầu cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
[Infographic] Bộ Y tế khuyến cáo về bệnh sởi: Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh
Hãy tiêm vắc xin sởi cho trẻ ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi
Báo động bệnh sởi ở người lớn gia tăng
Tham mưu UBND tỉnh công bố dịch sởi trên địa bàn tỉnh
[Infographic] Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?
Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Những cái chết thương tâm do bệnh dại đến từ sự chủ quan
[Video] Cúm gia cầm (Cúm A/H5N1) nguy hiểm như thế nào?
Cúm A/H5N1 nguy hiểm như thế nào?
Lợi ích tiêm vắc xin sởi cho trẻ
Khuyến cáo 6 biện pháp phòng, chống cúm A(H5N1)
[Video] Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024
[Video] Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bệnh dại
Phòng chống dịch bệnh đầu năm học mới
Các biện pháp phòng bệnh Whitmore

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN