Vừa qua, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và một số bệnh viện đầu ngành đã tổ chức cuộc họp đánh giá nguy cơ COVID-19. Cuộc họp đã đưa ra nhận định tổng quan về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, đồng thời đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Dịch bệnh COVID-19 có xu hướng tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
Theo đánh giá tại cuộc họp, dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành rộng rãi trên toàn cầu. Tính đến ngày 25/5/2025, thế giới đã ghi nhận hơn 777 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 7 triệu ca tử vong. Tại khu vực châu Á, một số quốc gia như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan đang có xu hướng gia tăng số ca mắc, đặc biệt là số ca nhập viện. Tuy nhiên, hệ thống y tế vẫn đang kiểm soát tốt tình hình.
Biến thể NB.1.8.1 hiện là biến thể đang được theo dõi, chiếm tỷ lệ 10,7% các mẫu giải trình tự gene toàn cầu vào giữa tháng 5 và đã ghi nhận tại 23 quốc gia. Tuy có khả năng lây lan cao hơn, nhưng hiện chưa có bằng chứng cho thấy NB.1.8.1 gây bệnh nặng hay làm tăng tử vong so với các biến thể trước và chưa có cảnh báo mới từ WHO.

Kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 641 ca mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố, không có ca tử vong. Các ca bệnh rải rác, không ghi nhận ổ dịch tập trung, tuy có xu hướng tăng nhẹ trong ba tuần gần đây, đặc biệt ghi nhận tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc. Biến thể NB.1.8.1 cũng chiếm tỷ lệ lớn trong các mẫu xét nghiệm tại một số bệnh viện tuyến trung ương.
Trước nhu cầu đi lại và du lịch hè tăng cao, Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây lan trong cộng đồng có thể gia tăng, nhưng số ca nặng khó có khả năng bùng phát mạnh nhờ miễn dịch cộng đồng đã được củng cố trong các năm qua.
Tăng cường kiểm soát dịch, nâng cao cảnh giác trong cộng đồng
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, Bộ Y tế đã đề ra nhiều biện pháp để chủ động kiểm soát và ứng phó hiệu quả, gồm:
Tăng cường giám sát tình hình dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; chủ động lấy mẫu, giải trình tự gene từ các ca bệnh nặng để đánh giá biến thể mới.
Duy trì hoạt động kiểm soát dịch bền vững theo Quyết định 3984/QĐ-BYT (giai đoạn 2023–2025); thường xuyên cập nhật kế hoạch điều trị của các địa phương.
Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị, khu cách ly và vật tư y tế sẵn sàng tiếp nhận, điều trị và cấp cứu kịp thời các trường hợp chuyển nặng.
Tăng cường công tác vệ sinh, hạn chế lây nhiễm tại bệnh viện, bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền...
Chú trọng phối hợp truyền thông y tế với ngành văn hóa, du lịch, báo chí để nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng.
Hướng dẫn các địa điểm đông người thực hiện biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập khi không cần thiết.
Đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phát hiện, điều tra dịch, xét nghiệm, điều trị và phòng ngừa biến chứng.
Thực hiện nghiêm việc báo cáo, khai báo dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.
- Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.
- Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.
Thiên Thanh