Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng các biện pháp phòng chống, phát hiện và xử lý ngay các ổ dịch kết hợp với đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC Đồng Nai), đến nay toàn tỉnh có 1.416 ca mắc SXH, giảm hơn 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các ca mắc có hơn 58% ca SXH trẻ em và 2 ca tử vong tại huyện Cẩm Mỹ và huyện Trảng Bom. Toàn tỉnh phát hiện 302 ổ dịch, giảm 3,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ổ dịch xử lý trong toàn tỉnh đạt hơn 99%.
BS.CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho biết, năm 2022 số ca mắc và tử vong do SXH tăng kỉ lục, với hơn 26 ngàn ca mắc và 19 ca tử vong, đây là con số khá cao. Đến nay, các ổ dịch cũ vẫn còn và đang tồn tại. Bên cạnh đó, theo dự báo của các chuyên gia, năm 2023 mùa mưa sẽ đến sớm hơn. Kết hợp cả 2 yếu tố này sẽ bùng phát các đợt dịch hoặc các ổ dịch sớm và việc lây lan thành các ổ dịch lớn, lan rộng là điều gần như được dự báo trong năm 2023.
Hiện nay, bệnh SXH xảy ra quanh năm và không còn mang tính chất chu kỳ 3-4 năm mới có dịch lớn một lần nữa. Vì vậy, để dự phòng nguy cơ bùng phát dịch SXH trong thời gian tới thì việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống dịch là hết sức quan trọng. Đặc biệt là tăng cường truyền thông vào mức độ nguy hiểm và cách phòng chống SXH đến người dân. Huy động cộng đồng tiếp tục diệt lăng quăng, không bỏ sót vật chứa nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng. Duy trì ra quân tổng vệ sinh môi trường vào ngày cuối tuần, để mỗi gia đình không có lăng quăng thì sẽ không có bệnh SXH.
Nhân viên CDC Đồng Nai giám sát chỉ số côn trùng tại nhà người dân.
Theo BS Phúc, qua giám sát chỉ số côn trùng tại một số xã trọng điểm về SXH đơn cử như tại thị trấn Hiệp Phước, H Nhơn Trạch cho thấy, vẫn phát hiện chỉ số muỗi Aedes (gây bệnh SXH) và lăng quăng tại các hộ gia đình. Qua khảo sát đa số người dân đều có ý thức ngủ mùng và thường xuyên thau rửa các vật dụng chứa nước như bình bông, thùng chứa nước, xô chậu…, khu vực ở của các hộ dân đều khá sạch sẽ, nhiều hộ gia đình chưa có người mắc SXH.
Ông Nguyễn Đức Quá, Trưởng Trạm y tế thị trấn Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch cho biết, từ đầu năm đến nay thị trấn Hiệp Phước ghi nhận 23 ca mắc SXH bao gồm cả trẻ em và người lớn. So với cùng kỳ năm 2022 số ca nhiễm giảm một nửa, hiện đang mùa nắng nên số ca mắc chưa cao, bên cạnh đó số lượng công nhân nghỉ việc về quê tăng nên nhiều khu nhà trọ không có công nhân ở. Cùng với đó ý thức phòng bệnh của người dân cũng được nâng cao. Trạm y tế cũng thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền trên đài phát thanh kiến thức về phòng chống bệnh để người dân biết và thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Tuy nhiên, Hiệp Phước là địa bàn rộng, phức tạp, nhiều nhà trọ công nhân nên hàng năm vẫn là địa bàn trọng điểm về dịch SXH. Vì thế thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền cùng với đó sẽ tham mưu UBND thị trấn tổ chức huy động các đoàn thể, người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh ngày cuối tuần phòng chống SXH, đây là hoạt động đã được triển khai từ năm ngoái và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Là địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh, TP. Biên Hòa đang thực hiện nhiều giải pháp không để dịch bùng phát. BS CKI Đậu Ngọc Trung, Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh – HIV/AIDS, Trung tâm y tế TP. Biên Hòa cho hay, năm 2022 trên địa bàn TP. Biên Hòa có 9.008 ca mắc, số ổ dịch phát hiện và xử lý là 1.570, có 05 trường hợp tử vong do SXH. Năm 2023 chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống SXH ngay từ đầu năm, trong đó ngoài các giải pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, củng cố mạng lưới phòng chống dịch bệnh, công tác tổ chức…còn thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nhằm giảm ca mắc, ca tử vong.
Tại vùng lưu hành dịch, tất cả các ca bệnh phải được điều tra, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình có ca bệnh và các hộ xung quanh nhà ca bệnh trong bán kính 200m. Thời gian diệt lăng quăng tối đa 48 giờ sau khi nhận được thông tin, nhằm ngăn chặn không để dịch lây lan ra các địa bàn khác.
Năm 2023, địa bàn phun hóa chất tăng cường dự kiến là 70 điểm phun, mỗi điểm phun có diện tích 300 ha (là các ấp/ khu phố đang bùng phát dịch SXH). Tổng số hộ dân dự kiến được phun hóa chất diệt muỗi trong năm 2023 là 210.000 hộ (3.000 hộ/điểm phun). Đến nay mặc dù Biên Hòa chưa nghi nhận ca tử vong nhưng số ca mắc vẫn đứng đầu cả tỉnh với 380 ca mắc.
Bên cạnh công tác dự phòng, việc điều trị cũng hết sức quan trọng. BS Đồng Minh Hùng, CDC Đồng Nai cho biết, việc chẩn đoán điều trị đối với bệnh nhân mắc SXH rất quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân tử vong, đến nay hệ thống điều trị tại các cơ sở y tế đã được củng cố, hàng năm ngành y tế đều tập huấn cho tất cả các cơ sở y tế qua đó giúp các cơ sở có được phác đồ điều trị hiệu quả cho người bệnh hạn chế chuyển viện, hạn chế tử vong… Qua giám sát chúng tôi cũng đã chấn chỉnh các phòng khám tư nhân về việc chỉ định truyền nước cho bệnh nhân SXH khi chưa cần thiết, hoặc điều trị sai phác đồ khiến cho tình trạng bệnh nhân nặng hơn. Cùng với đó chúng tôi cũng thành lập nhóm Zalo gồm các bác sĩ trưởng khoa nhiễm, bác sĩ điều trị SXH qua đó nếu có ca bệnh cần sự hỗ trợ sẽ trực tiếp trao đổi trên Zalo cùng với các chuyên gia để đưa ra các giải pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
“Người dân khi mắc sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, không tự ý điều trị tại nhà hoặc chuyền nước tại các phòng khám tư nhân đến khi trở nặng mới đến bệnh viện sẽ khiến cho việc điều trị khó khăn và kém hiệu quả” - BS Hùng khuyến cáo.
Hoàn Lê