Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi bảo vệ của hệ thống BHYT tại Việt Nam.
BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Với mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, Luật BHYT sửa đổi năm 2024 không chỉ mở rộng phạm vi bảo vệ, tăng cường quyền lợi cho người tham gia mà còn tạo sự linh hoạt, thuận lợi trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế”.

BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Sở Y tế.
PV: Thưa ông, Luật BHYT (sửa đổi) năm 2024 có nhiều điểm mới quan trọng nhằm nâng cao quyền lợi cho người dân khi khám chữa bệnh. Ông có thể khái quát những thay đổi chính mà người dân cần lưu ý?
BS.CKII Nguyễn Văn Bình: Luật BHYT (sửa đổi) năm 2024 mang đến nhiều thay đổi quan trọng, giúp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.
Một trong những điểm nổi bật là việc xóa bỏ rào cản hành chính trong KCB. Người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng tại cơ sở đăng ký ban đầu trên toàn quốc, không còn bị giới hạn bởi địa phương hay tuyến điều trị như trước. Điều này giúp người bệnh linh hoạt hơn trong việc lựa chọn cơ sở y tế phù hợp, giảm bớt các thủ tục phiền hà khi đi khám và điều trị.
Ngoài ra, phạm vi tham gia BHYT bắt buộc được mở rộng, bổ sung thêm các nhóm đối tượng như nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... Việc này không chỉ gia tăng độ bao phủ của BHYT mà còn đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho nhiều nhóm dân cư hơn, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về sức khỏe.
Quy định về chuyển tuyến điều trị cũng linh hoạt hơn. Với những bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp hoặc bệnh hiểm nghèo, thay vì phải qua nhiều cấp trung gian, nay họ được chuyển thẳng đến các cơ sở y tế chuyên sâu để điều trị kịp thời, giúp rút ngắn thời gian chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế.
Một thay đổi quan trọng khác là tăng tỷ lệ chi từ quỹ BHYT dành cho hoạt động KCB lên 92% (trước đây là 90%). Điều này giúp các cơ sở y tế có thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
Đặc biệt, cơ chế thanh toán linh hoạt hơn đối với thuốc và thiết bị y tế, đảm bảo người bệnh không bị gián đoạn điều trị. Nếu cơ sở y tế không có sẵn thuốc hoặc thiết bị cần thiết và không thể chuyển bệnh nhân đến nơi khác, BHYT sẽ chi trả chi phí điều chuyển giữa các cơ sở.
Trong trường hợp thuốc hoặc thiết bị y tế đang trong quá trình đấu thầu hoặc không có sẵn tại thời điểm kê đơn, người bệnh có thể mua bên ngoài và được quỹ BHYT thanh toán theo quy định.
Những thay đổi trong Luật BHYT sửa đổi giúp hệ thống bảo hiểm vận hành linh hoạt, minh bạch và công bằng hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi KCB, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trên cả nước.
PV: Một trong những vấn đề được người dân quan tâm là phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT. Luật BHYT (sửa đổi) có những điều chỉnh nào về danh mục chi trả, mức đồng chi trả hoặc các dịch vụ y tế được mở rộng thêm thưa ông?
BS.CKII Nguyễn Văn Bình: Luật BHYT (sửa đổi) mở rộng danh mục dịch vụ y tế được bảo hiểm chi trả, giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ chất lượng cao dễ dàng hơn. Đáng chú ý, bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp hoặc bệnh hiểm nghèo có thể được điều trị chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trên mà không cần tuân thủ quy định chuyển tuyến như trước. Điều này giúp rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị và nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế.
Ngoài ra, Luật mới bổ sung một số trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB), cụ thể: Chi trả toàn bộ chi phí khi KCB tại cơ sở y tế đăng ký ban đầu trên toàn quốc; Thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú tại các cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản trên toàn quốc; Hưởng quyền lợi tối đa khi KCB tại các cơ sở BHYT cấp cơ bản và cấp chuyên sâu, vốn trước ngày 01/01/2025 được xác định là bệnh viện tuyến huyện.
Đối với người dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, cũng như cư dân tại các xã đảo, BHYT sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên sâu, đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhóm đối tượng này.
Riêng với bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao, quỹ BHYT sẽ thanh toán toàn bộ chi phí theo mức hưởng quy định, tạo điều kiện để họ được điều trị tại các cơ sở y tế chuyên sâu mà không gặp rào cản tài chính.
Đáng chú ý, quyền lợi điều trị tật khúc xạ và lác mắt cũng được điều chỉnh. Trước đây, BHYT chỉ hỗ trợ cho trẻ dưới 6 tuổi, nhưng theo Luật mới, phạm vi hưởng mở rộng cho người từ đủ 18 tuổi trở lên, giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết hơn.
Những thay đổi này không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn đảm bảo quyền lợi công bằng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tham gia BHYT.
PV: Thưa ông, chính sách thông cấp KCB trên toàn quốc sẽ tác động ra sao đến việc người dân lựa chọn nơi KCB? Liệu điều này có giúp giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên không?
BS.CKII Nguyễn Văn Bình: Việc thông cấp KCB trên toàn quốc theo Luật BHYT (sửa đổi) mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống y tế.
Về quyền lợi, người tham gia BHYT được chủ động lựa chọn cơ sở KCB phù hợp mà không bị giới hạn theo địa phương hay tuyến điều trị như trước. Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc bệnh hiếm gặp có thể chuyển thẳng lên tuyến trên để điều trị chuyên sâu mà không cần qua nhiều thủ tục chuyển tuyến, giúp rút ngắn thời gian tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Việc tự do lựa chọn nơi KCB cũng tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận các bệnh viện có chất lượng dịch vụ tốt hơn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện cá nhân.
Về phía hệ thống y tế, các bệnh viện tuyến cơ sở cần nâng cao chất lượng KCB, đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực để thu hút bệnh nhân, tránh tình trạng dồn lên tuyến trên. Điều này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các bệnh viện liên tục cải tiến dịch vụ.
Đối với bệnh viện tuyến trên, việc thông cấp giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao hơn nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ quá tải. Để hạn chế tình trạng này, cần có cơ chế phân luồng bệnh nhân hợp lý, đồng thời tăng cường đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao.
Nhìn chung, chính sách thông tuyến toàn quốc giúp người dân thuận lợi hơn trong KCB và góp phần nâng cao chất lượng y tế ở mọi tuyến. Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống y tế vận hành hiệu quả, cần có các giải pháp điều tiết bệnh nhân hợp lý và đẩy mạnh đầu tư vào y tế cơ sở, nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững trong toàn hệ thống y tế.
%20v%C3%A0%20c%C3%A1c%20VB%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20thi%20h%C3%A0nh.jpg)
Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật BHYT (sửa đổi) năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
PV: Để Luật BHYT sửa đổi được triển khai hiệu quả tại Đồng Nai, Sở Y tế có những kế hoạch gì trong thời gian tới để tuyên truyền, hướng dẫn và đảm bảo người dân cũng như cơ sở y tế hiểu và thực hiện đúng các quy định mới?
BS.CKII Nguyễn Văn Bình: Sở Y tế Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch triển khai Luật BHYT (sửa đổi) một cách đồng bộ, hiệu quả, tập trung vào các nội dung trọng tâm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Trước tiên, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như hội thảo, tập huấn, truyền thông trên báo chí, mạng xã hội và hệ thống y tế cơ sở. Nhân viên y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế được đào tạo chuyên sâu để nắm vững các quy định mới, từ đó hướng dẫn người dân thực hiện quyền lợi BHYT một cách chính xác, thuận tiện.
Bên cạnh đó, Sở Y tế thiết lập đường dây nóng và kênh hỗ trợ trực tuyến nhằm kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp và cơ sở y tế, giúp quá trình triển khai Luật diễn ra thuận lợi, hạn chế các vướng mắc phát sinh. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường để phát hiện, điều chỉnh kịp thời những khó khăn, đảm bảo chính sách BHYT được thực hiện minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Những giải pháp này không chỉ giúp người dân hiểu rõ quyền lợi BHYT mà còn hỗ trợ các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo Luật mới.
Xin cảm ơn BS.CKII Nguyễn Văn Bình!
Bích Ngọc (thực hiện)