Từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn luôn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, khoảng hai tuần trở lại đây, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu máu cục bộ. Đây không chỉ là thực trạng riêng của Đồng Nai, mà là vấn đề chung trên phạm vi cả nước.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai), mỗi ngày tiếp nhận khoảng 130 bệnh nhân, trong đó 60% là bệnh nội khoa, còn lại là các ca cấp cứu ngoại khoa. Nhu cầu máu truyền cho người bệnh lúc nào cũng cao. Tuy nhiên, hiện nay, các bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng từng trường hợp để ưu tiên truyền máu, do lượng máu dự trữ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐK Thống Nhất thăm khám cho bệnh nhân nhập viện cấp cứu.
BS.CKI Nguyễn Tuấn Anh – Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho hay, nguồn máu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào khoa Huyết học. Với các trường hợp bệnh nhân nguy kịch hoặc không thể chậm trễ truyền máu, như các ca mất máu trong sản khoa hay báo động đỏ ngoại khoa. Nếu thiếu nhóm máu phù hợp, bệnh viện phải huy động tất cả những gì có thể để có thể truyền máu kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Theo BS.CKII Hồ Thị Phương Anh – Phụ trách khoa Huyết học, Bệnh viện ĐK Thống Nhất, lượng máu nhập từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh hiện giảm từ 50 – 60% so với thường ngày. Nguyên nhân một phần do việc sáp nhập ở các địa phương khiến hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tạm thời gián đoạn, kéo theo các đợt hiến máu tình nguyện cũng không thể tổ chức đều đặn như trước. Trong đó, nhóm máu A là nhóm thiếu hụt nghiêm trọng nhất.
Không riêng gì Bệnh viện ĐK Thống Nhất, hiện nay tình hình máu dự trữ cho công tác cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai cũng không khả quan hơn.
Là bệnh viện hạng 1, xếp hạng chuyên sâu, Bệnh viện ĐK Đồng Nai tiếp nhận đa số các bệnh nhân đa chấn thương, chấn thương nặng; hoặc triển khai kỹ thuật cao, nên nhu cầu máu bồi hoàn cho người bệnh là rất lớn. Tình trạng thiếu máu kéo dài, đặc biệt nhóm máu A thiếu hụt nghiêm trọng, đang ảnh hưởng đến quá trình điều trị và gây thiệt thòi cho người bệnh.
BS Lê Văn Thống Nhất – Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện ĐK Đồng Nai chia sẻ: “Với các ca cấp cứu, chúng tôi buộc phải đảm bảo đủ máu để truyền cho bệnh nhân. Tuy nhiên, với các trường hợp không quá khẩn cấp hoặc bệnh lý mạn tính, có hai phương án được áp dụng. Một là truyền nhóm máu O để thay thế cho nhóm A, hai là truyền máu ở mức vừa phải để đảm bảo không đe dọa tính mạng bệnh nhân”.
Để ứng phó tình hình thiếu máu, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp tạm thời và lâu dài. Chia sẻ về vấn đề này, BS.CKII Lê Thị Phương Trâm – Phó giám đốc bệnh viện cho hay, chúng tôi khuyến khích và động viên người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu để truyền trực tiếp khi cần. Đây là giải pháp tạm thời cho các trường hợp khẩn cấp khi không có sẵn nhóm máu đó ở bệnh viện hoặc là thiếu. Về lâu dài, bệnh viện sẽ thành lập một điểm hiến máu tình nguyện cố định tại bệnh viện nhằm thu hút người dân đến hiến máu, đảm bảo nguồn máu điều trị cho người bệnh.
Trong tháng 7, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức 12 đợt hiến máu, dự kiến thu trên 4 ngàn đơn vị máu. Hy vọng việc tăng cường tổ chức các đợt hiến máu sẽ kịp thời đáp ứng được nhu cầu máu cho công tác cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện.
Sao Mai – Mỹ Linh