Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thời gian qua đã tiếp nhận điều trị, chăm sóc cho 23 trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm COVID-19 phải cách ly, điều trị.
Thấu hiểu sự thiệt thòi của các bé phải xa mẹ khi vừa mới chào đời, nên ngoài việc điều trị, theo dõi sức khỏe cho trẻ, các bác sĩ điều dưỡng ở đây còn dành tình yêu thương, vỗ về, chăm sóc trẻ như chính con của mình.
Yêu thương, chăm sóc như con của mình
Bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến nay khoa đã chăm sóc, điều trị cho 23 trẻ sơ sinh có mẹ là F0, đa phần các bé khi chuyển đến bệnh viện đều có vấn đề về bệnh lý thường gặp như sinh non, suy hô hấp, nhiễm trùng, viêm phổi…
Theo đó, ngay khi chào đời, các trẻ sơ sinh có mẹ là F0 ở các cơ sở y tế trong tỉnh được chuyển thẳng về khu cách ly điều trị trẻ phơi nhiễm COVID-19 thuộc Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh để theo dõi, điều trị. Mỗi trẻ, tùy vào tình trạng sức khỏe sẽ phải nằm tại đây theo dõi ít nhất là 2 tuần, sau khi xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính bé mới được ra viện. Trong quá trình theo dõi, chăm sóc tại khoa, mọi sinh hoạt của các bé từ uống sữa, thay tã, vệ sinh cá nhân, theo dõi diễn tiến sức khỏe... đều do các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa thực hiện.

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang chăm sóc cho một trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm COVID-19.
Với các bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, 3 tháng trở lại đây là khoảng thời gian công tác rất đặc biệt khi không chỉ đảm nhận công tác chuyên môn, họ còn phải kiêm luôn nhiệm vụ “bảo mẫu”. Do các trẻ được đặt trong lồng kính tại khu vực cách ly nên các điều dưỡng phải trực tiếp chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ như người mẹ chăm con. Ngoài ra, vì sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh từ trẻ có mẹ là F0 nên một số bác sĩ, điều dưỡng đã nhiều tuần liền không về nhà mà nghỉ lại tại bệnh viện để đảm bảo an toàn cho người thân.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm có 7 năm kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho biết, bản thân chị chưa lập gia đình nên chưa cảm nhận hết tình cảm của một người mẹ dành cho con, nhưng khi nhìn những em bé phải vào đây không được ở bên mẹ, không được tiếp xúc gần với người thân thì các y, bác sĩ trong khoa càng dành tình thương nhiều hơn để chăm sóc các bé, xem các bé như con cháu mình để bù đắp lại tình cảm mà đáng lẽ ra một đứa trẻ mới được sinh ra phải có được như uống dòng sữa của mẹ, được ôm ấp trong vòng tay của người thân…
“Chúng tôi làm không chỉ vì trách nhiệm mà còn là tình thương yêu dành cho các bé, bởi các bé chịu nhiều thiệt thòi, sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt khi mẹ nhiễm COVID-19 và người nhà, người thân của các bé cũng là F0 hoặc F1 nên suốt thời gian ở đây, nhiều bé không có người thân bên cạnh” - điều dưỡng Thắm nói.
Do sinh ra từ mẹ nhiễm COVID-19, nên người thân của các bé cũng bị nhiễm bệnh hoặc phải cách ly y tế, do vậy nhiều trẻ không có người thân tiếp tế tã, sữa. Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây phải huy động các mạnh thường quân hỗ trợ cho các bé. Ngoài ra, cũng có trường hợp đến nay người nhà không đến nhận con, thì nhân viên y tế ở đây ngoài thời gian làm việc lại chăm sóc, ẵm bồng bé như chính con của mình.
Theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ
Theo bác sĩ Phượng, bình thường, công việc điều trị cho trẻ sơ sinh, sinh non trong khoa vốn đã vất vả, nay còn bận rộn hơn khi chăm sóc cho các trẻ có mẹ nhiễm COVID-19 phải cách ly con để điều trị bệnh.
Mỗi ngày Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh luôn có 5 - 6 bác sĩ và khoảng 14 điều dưỡng túc trực khám và chăm sóc các bé nhập viện và điều trị tại khoa. Dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn vất vả, nhưng các chiến sĩ áo trắng luôn nỗ lực điều trị, chăm sóc để các trẻ sớm đoàn tụ với gia đình, bù đắp lại những mất mát mà dịch COVID-19 gây ra.
Trong số những trẻ được điều trị tại đây, trường hợp bé N.T.V. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Bé N.T.V. được sinh mổ từ mẹ là F0 có các triệu chứng nặng tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất. Ngay sau khi sinh bé nặng 1,6 kg, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh trong tình trạng người tím tái, tay chân không phản xạ, chi lạnh, mạch không bắt được, tim không nghe đập, đồng tử giãn, chẩn đoán ngưng hô hấp tuần hoàn ngoại vệ.
Tại đây, các bác sĩ tiếp tục bóp bóng và cho uống thuốc trợ tim, 30 phút sau khi cấp cứu, tim bé V. mới đập trở lại và được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt. Bé V. tiếp tục được theo dõi, chăm sóc, đến nay sau 1,5 tháng bé đã ăn 50cc sữa, cận nặng 2,2 kg. Hiện tại, bé V. đã chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt và hàng ngày được các y, bác sĩ tập vật lý trị liệu, đến nay bé có thể xuất viện về đoàn tụ với gia đình.

Các y bác sĩ theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huế, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh chia sẻ: “Chăm sóc, điều trị cho các bé sơ sinh vất vả gấp 5-6 lần so với trẻ lớn, riêng các bé sơ sinh có mẹ là F0 phải vất vả gấp 10 lần. Đặc biệt các ca trực đêm, chúng tôi phải chia nhau trông chừng, ăn uống cũng phải vội vàng. Chỉ cần tiếng động nhẹ do các bé ngọ nguậy, khóc là chúng tôi phải đến kiểm tra. Cũng mừng vì những trẻ này sinh ra từ mẹ bị nhiễm bệnh COVID-19, nhưng các bé lại không bị nhiễm”.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm cũng cho biết thêm: “Với các trẻ sinh ra từ những người mẹ bình thường (không phải là F0), cứ cách 2-3 tiếng chúng tôi mới phải vào kiểm tra, thay tã, cho bé uống sữa. Nhưng riêng các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này, do tình hình sức khỏe các em vốn không tốt nên các bác sĩ, điều dưỡng phải liên tục túc trực, theo dõi bằng cả mắt thường lẫn chỉ số trên máy móc để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Có những lúc chúng tôi vừa ra khỏi phòng cách ly cởi đồ bảo hộ, khử khuẩn, quay lại thấy bé có những biểu hiện không bình thường lại lập tức mặc đồ bảo hộ để vào kiểm tra lại cho bé”.
Với các điều dưỡng, bác sĩ, việc chăm sóc điều trị cho trẻ và chứng kiến trẻ được về với gia đình là niềm vui rất lớn. Như BS Nguyễn Thị Huế chia sẻ: “Mỗi khi có trẻ được người nhà, đặc biệt là cha mẹ đến đón về là chúng tôi lại mừng vì thêm một gia đình được đoàn tụ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Những giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ các bé khi được ẵm bồng, nâng niu con mình sau nhiều ngày xa cách luôn làm chúng tôi xúc động và thấy sự nỗ lực của mình rất có ý nghĩa”.
Thanh Tú