Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan toả với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh nếu được phát hiện và can thiệp sớm trong giai đoạn vàng, sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh trẻ.
Giai đoạn sớm can thiệp trẻ tự kỷ
Bác sĩ Phan Thị Hiền Hòa, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, vào ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khám cho 10 trẻ có dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ, chủ yếu độ tuổi từ 2-5 tuổi. Qua khám phát hiện có 2 trẻ khẳng định tự kỷ, 2 trẻ nghi ngờ, còn lại các trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói.
Đa phần trẻ đến khám khi phụ huynh thấy con có những biểu hiện bất thường và sau khi đọc các thông tin trên mạng xã hội giống biểu hiện của trẻ như: con gọi không quay lại, con chậm nói, có những hành vi kỳ lạ (nhìn quạt hay một vật nào đó lâu, xoay tròn người, không nhìn vào ánh mắt của người khác, không chơi với các bạn, ngồi vẫy tay)...
Theo bác sĩ Hòa điều đáng chú ý hơn, có nhiều phụ huynh đưa con đến khám quá muộn, con trên 3-4 tuổi mới đưa đến khám, trong khi đó giai đoạn vàng để can thiệp sớm từ 2-3 tuổi. Điển hình trường hợp bé trai 4 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai. Khi phụ huynh đưa bé đến khám không có giao tiếp mắt, không nói từ đơn (ba, mẹ, ạ…,), không chơi với người lại, cắn mẹ, đập đầu vào tường, rối loạn cảm giác (xé các giấy gián trên tường…), hạn chế về tương tác xã hội giao tiếp… Sau hơn một năm điều trị ngoại trú tại bệnh viện, bé đã nói được từ đơn, hành vi xoay tròn người đã giảm hẳn, không còn đập đầu vào tường, đã biết chơi tương tác, nếu muốn ăn và chơi trò gì bé chỉ vào hình ảnh để đưa ra yêu cầu mong muốn của mình.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bệnh tự kỷ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
“Phần lớn phụ huynh có quan niệm sau 3 tuổi con không biết nói mới đưa đi khám, vì họ chưa có nhiều kiến thức về bệnh tự kỷ và không lo lắng. Khi con đi học mầm non các cô không nhận, vì đánh các bạn mới đưa con đi khám. Nếu trẻ được can thiệp sớm từ 2-3 tuổi trong giai đoạn vàng, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm nhiều, đặc biệt là các rối loạn hành vi. Còn đi khám muộn phục hồi các kỹ năng cho trẻ lâu hơn và rất khó khăn” – BS Hòa nói.
Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ tự kỷ
Theo bác sĩ Hòa, bệnh tự kỷ ở trẻ hiện chưa có nguyên nhân cụ thể, bệnh có thể do các yếu tố liên quan như: gen, di truyền và bất thường về não. Về dấu hiệu của bệnh được chia theo từng độ tuổi: trẻ 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn không cười tươi hay có các cách biểu cảm nồng nhiệt tươi tắn khác.
Không trao đổi qua lại về âm thanh, nụ cười hay biểu cảm khuôn mặt với người đối diện ở độ tuổi từ 9 tháng hoặc lớn hơn. Trẻ 12 tháng tuổi, nếu trẻ chưa biết chỉ tay, chưa biết nói từ đơn (ba, mẹ, ạ…,), gọi không quay lại, ít giao tiếp mắt. Trẻ từ 14 đến 16 tháng chưa biết chơi giả vờ, chưa nói được từ. Trẻ 24 tháng tuổi nói chưa rõ, chưa nói được 2 từ…
Bên cạnh đó, có một số trẻ thoái lùi về ngôn ngữ lẫn kỹ năng xã hội, trước chơi nhanh nhẹn, nói câu dài nhưng sau lại mất đi kỹ năng đó và chơi một mình. Dấu hiệu này xuất hiện bất cứ độ tuổi nào, sau một tuổi trở đi nên đưa trẻ đi khám tự kỷ. Hay có những trẻ có sở thích thu hẹp hành vi định hình lặp đi lặp lại như: thích lịch vạn niên, cờ các nước, tự hát một bài hát rất dài… Khi trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ, hay thấy con có những bất thường phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm. Tùy vào bệnh của trẻ các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ Hòa khuyến cáo, phụ huynh khi có con tự kỷ, ngoài việc được điều trị can thiệp tại bệnh viện, khi về nhà phụ huynh cần tăng cường tương tác với con theo sự hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế cho con xem ti vi, điện thoại…
Sao Mai