Mới đây, tại Bệnh viện đại học y dược Shing Mark, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo góp ý xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật khi ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hội thảo có sự tham dự của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Sở Y tế và các bệnh viện đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Định mức kinh tế kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám chữa bệnh là ban hành mức giá khám chữa bệnh sau khi áp dụng công nghệ thông tin. Định mức này được xây dựng dựa trên 7 mức đánh giá và tập trung vào 8 nhóm tiêu chí như hạ tầng, quản lý điều hành, bệnh án điện tử, tiêu chí chi phí chức năng, bảo mật và an toàn thông tin...

Xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh mang lại rất nhiều tiện ích. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện ĐK Đồng Nai đang nghiên cứu hình ảnh chụp phim của một bệnh nhân trong hệ thống quản lý bệnh viện HIS.
Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, công nghệ thông tin có tác động làm hiện đại các cơ sở y tế, giúp thuận tiện, dễ dàng cho các nhà quản lý để chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn. Để phát triển bền vững ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám chữa bệnh, trước hết phải xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin y tế.
Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ băn khoăn rằng định mức kinh tế kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám chữa bệnh được xây dựng dựa trên các tiêu chí. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng có đầy đủ những tiêu chí đó, ví dụ hồ sơ bệnh án điện tử không phải bệnh viện nào cũng có mà vẫn phải tính chi phí ứng dụng công nghệ thông tin thì có hợp lý không.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh đã có bước đột phá, 100% các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đã có ứng dụng công nghệ thông tin ở các mức độ khác nhau; kết nối thành công 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh kết nối liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ giám định điện tử; các bệnh viện cũng bước đầu sử dụng các rô bốt, phần mềm trí tuệ nhân tạo, ứng dụng y tế từ xa cho kết quả tốt.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cơ sở khám chữa bệnh còn gặp nhiều trở ngại, như cơ chế chính sách về tài chính y tế, tài chính trong công nghệ thông tin y tế chưa có nguồn thu, nguồn chi và các danh mục cụ thể. Do đó, cần thiết phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám chữa bệnh giúp công nghệ thông tin y tế phát triển bền vững, nhanh chóng.
“Việc đóng góp ý kiến của các đại biểu, đại diện sở y tế, bệnh viện các tỉnh, thành phố là cơ sở để Cục Công nghệ thông tin xây dựng nên định mức kinh tế kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám chữa bệnh. Cục sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện và sớm đưa định mức kinh tế kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn cuộc sống” ông Tường nói.
Sao Mai