Trong những năm qua, ngành Y tế Đồng Nai đã đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý, cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân.
Chỉ đạo, xử lý các văn bản qua môi trường mạng
ThS Võ Thị Ngọc Lắm - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Trong nhiều năm qua, Sở Y tế đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản IOffice tại Sở, các đơn vị trực thuộc và tất cả trạm Y tế xã, phường, thị trấn, với tỷ lệ 100% văn bản chỉ đạo, thông tin điều hành được xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản, hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Cùng với đó là việc ứng dụng hệ thống điều hành văn bản V-Office thực hiện trao đổi văn bản điện tử giữa Sở Y tế với Bộ Y tế cũng ngày một hiệu quả, hệ thống văn bản này đều được ứng dụng chữ ký số, chứng thư số để xác thực văn bản điện tử; 100% các văn bản gửi UBND tỉnh và các sở, ban, ngành và các đơn vị được thực hiện gửi, nhận bằng bản điện tử có chữ ký số; Ngoài ra, ứng dụng chữ ký số, chứng thư số để xác thực văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản - điều hành công việc và phần mềm một cửa điện tử để giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số thay cho văn bản giấy với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc đạt tỷ lệ 99,5%.
TS.BS Trần Minh Hoà - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Nhờ ứng dụng hệ thống quản lý văn bản IOffice Plus mà việc chỉ đạo rất dễ dàng, chỉ cần thông qua chiếc điện thoại thông minh có cài sẵn IOffice Plus tôi có thể nhận và xử lý văn bản nhanh chóng kể cả lúc đi công tác, việc này không những giúp tiết kiệm chi phí mua giấy in mà còn giúp cho công tác chuyên môn, nhất là giai đoạn dịch bệnh với nhiều văn bản khẩn cần được xử lý”.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai.
Cũng theo phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm, ngoài các ứng dụng trên hiện Sở Y tế đang tiếp tục duy trì kết nối số liệu giữa phần mềm Quản lý cấp phép của Sở Y tế với phần mềm Egov của UBND tỉnh. Trên cơ sở hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân đã triển khai, tiếp tục xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống nhằm thêm những tiện ích cho người dân trong việc truy cập, theo dõi hồ sơ sức khỏe cá nhân; Tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả 4 nền tảng theo chỉ đạo của Bộ Y tế gồm: Nền tảng quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử; Quản lý tiêm chủng; Quản lý tư vấn khám chữa bệnh từ xa và Nền tảng quản lý trạm y tế. Ngoài ra hiện ứng dụng VneID của Bộ Công an cũng đã tích hợp được thẻ BHYT và Sổ sức khỏe điện tử. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền để cán bộ viên chức và người dân được biết và thực hiện tích hợp thẻ BHYT và Sổ sức khỏe điện tử lên ứng dụng VneID, qua đó giúp giảm thiểu giấy tờ mà người dân phải mang theo khi đi khám, chữa bệnh, cho phép người dân theo dõi và quản lý thông tin sức khỏe của mình suốt đời...
Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế cũng đã nghiên cứu và áp dụng thành công nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả tại đơn vị, đơn cử như năm 2024 ngành Y tế đã đăng ký 6 sáng kiến cải tiến, trong đó đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng có hiệu quả hai sáng kiến gồm: sáng kiến cải tiến báo cáo sự cố tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và sáng kiến cải tiến biểu mẫu phiếu theo dõi và chăm sóc cấp 2-3 tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai.
Ứng dụng các dịch vụ công đơn giản hóa các thủ tục
Ông Vưu Tấn Tiền, chuyên viên Văn phòng Sở Y tế cho hay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được Sở Y tế thực hiện hiệu quả. Hiện nay, Sở Y tế đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần với 39 thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến toàn trình với 60 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Tổng số thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Sở Y tế đạt 100% (trừ các thủ tục đặc thù phải thực hiện trực tiếp tại đơn vị), tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính ngành Y tế. Tiếp tục cung cấp tài khoản kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc cho các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh.
“Với 60 thủ tục hành chính ở mức độ 4 (dịch vụ công trực tuyến toàn trình) chúng tôi hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng, theo đó chúng tôi sẽ đăng tải các hướng dẫn, biểu mẫu trên website Sở Y tế để người dân có thể tải về, nếu có thắc mắc khách hàng có thể gọi điện đến Tổng đài 1022 để được giải đáp, thông qua tổng đài chúng tôi sẽ hướng dẫn khách hàng tạo 1 tài khoản cá nhân và nộp hồ sơ thông qua tài khoản này, sau khi nhận được hồ sơ chúng tôi sẽ thẩm định, nếu còn thiếu bộ phận liên quan sẽ trả lời qua tài khoản hoặc sẽ gọi điện trực tiếp cho khách hàng yêu cầu bổ sung, kết quả giải quyết cũng sẽ được gửi về tận nhà cho khách hàng thông qua dịch vụ bưu chính công ích rất thuận tiện. Thời gian thẩm định cấp phép cho một số thủ tục chỉ khoảng 3 ngày là khách hàng có thể nhận được kết quả” - anh Tiền nói.
Năm 2024, ngành Ytế đã tiếp nhận 6.913 hồ sơ trên phần mềm Egov, đã giải quyết 6.618 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn: 96,36%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với Sở Y tế đạt tỷ lệ 96,14%, trong năm Sở Y tế đã nhận được 6 phản ánh, kiến nghị của người dân về giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 01 phản ánh, kiến nghị qua Tổng đài 1022 (cấp độ 2). Các phản ánh, kiến nghị của người dân đều được Sở Y tế giải quyết kịp thời theo quy định.
Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động hành chính nhà nước nói chung, quản lý nhà nước về y tế nói riêng không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi phương thức làm việc của cán bộ, công chức, viên chức hướng tới một môi trường hành chính hiện đại, cải cách. Qua đó, người dân cũng được hưởng lợi nhiều mặt, tăng sự hài lòng, tin tưởng của người dân cũng như các doanh nghiệp đối với ngành Y tế.
Hoàn Lê