Chiều 18-12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Sở Y tế tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Tiếp cận dịch vụ y tế của người dân Đồng Nai hiện nay”.
BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Sở Y tế chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Triết học, Chính trị học Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Sở Y tế; cùng đại diện Sở Khoa học và công nghệ, Bảo hiểm xã hội, CDC Đồng Nai và nhóm nghiên cứu đề tài khoa học của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, tọa đàm nhằm mục đích đánh giá thực trạng khách quan về tình hình tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tỉnh Đồng Nai, từ đó có những kiến nghị, giải pháp giúp Tỉnh ủy có cơ sở ban hành các chính sách, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Y tế, CDC Đồng Nai, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã trình bày 3 tham luận liên quan đến tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn và thực trạng công tác y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai.
Đại diện BHXH tỉnh trình bày tham luận về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.
Tính đến cuối tháng 11-2024, toàn tỉnh có gần 3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 90,4% so với tổng dân số. Trong đó, có 2 nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT đầy đủ, cụ thể nhóm lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 200 ngàn người chưa tham gia bảo hiểm bắt buộc, nguyên nhân chính là nhận thức của người lao động về lợi ích của BHYT còn hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; bên cạnh đó nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình tại một số địa phương như Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… cũng còn thấp, nguyên nhân do bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa đời sống vẫn còn khó khăn trong khi mức đóng BHYT hiện nay là tương đối cao.
Đối với công tác khám chữa bệnh, ngành Y tế đã có một hệ thống được bao phủ rộng khắp tại 11 huyện, thành phố gồm 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, 4 bệnh viện chuyên khoa và 11 trung tâm y tế (8 TTYT đa chức năng, 3 TTYT dự phòng); 2 chi cục (An toàn vệ sinh thực phẩm, Dân số); 4 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 159 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh với 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, 90 phòng khám đa khoa; có 1.741 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Đa số các bệnh viện và nhiều phòng khám đa khoa tư nhân tập trung tại thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom.
Toàn ngành Y tế hiện có hơn 9.800 cán bộ y tế, trong đó có hơn 3,2 ngàn bác sĩ, đạt 9,7 bác sĩ/vạn dân. Tổng số giường bệnh nội trú là 10.100 giường, đạt 30 giường/vạn dân. Công tác khám chữa bệnh được triển khai có hiệu quả, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật năm sau tăng hơn so với năm trước.
Đối với công tác y tế dự phòng, năm 2024 tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh có số mắc cao và ghi nhận trường hợp tử vong như Sởi, Dại, Sốt xuất huyết, dịch cúm gia cầm H5N1,… trong khi tình trạng thiếu nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng.
Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tính đến tháng 11/2024, tổng số bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện là trên 100 ngàn người, bệnh đái tháo đường 80 ngàn người; đang quản lý trên 16 ngàn bệnh nhân ung thư trong đó trên 700 trường hợp đã tử vong; đang quản lý trên 3,4 ngàn bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù mạng lưới phòng, chống bệnh không lây nhiễm đã được củng cố, kiện toàn từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và xã đảm bảo triển khai đầy đủ các hoạt động của chương trình theo quy định. Tuy nhiên, đa số bệnh không lây nhiễm tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng điển hình, người bệnh thường chủ quan hoặc giấu bệnh nên việc phát hiện và quản lý còn gặp nhiều trở ngại.
Theo kết quả khảo sát trên hơn 4,2 ngàn người dân trong tỉnh của nhóm tác giả Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, có khoảng 18,7% người dân Đồng Nai có bệnh mạn tính. Các bệnh mạn tính ngày càng trẻ hóa như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, xương khớp. Một số bệnh có xu hướng tăng như bệnh đường hô hấp, bệnh đường ruột, ung thư. Người cao tuổi là nhóm đối tượng bị nhiều bệnh mạn tính nhất.
Ngoài ra, số người vẫn có thói quen tự mua thuốc để uống khi có bệnh trước khi bệnh nặng và đến bệnh viện điều trị chiếm tỷ lệ 46,5%. Đa số người dân vẫn ưu tiên lựa chọn các cơ sở y tế công lập để khám, chữa bệnh. Vẫn còn khoảng 10% người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế, đặt ra nhiều thách thức trong việc đạt mục tiêu bao phủ y tế toàn dân.
Bích Ngọc