Trạm Y tế xã, phường, thị trấn là tuyến đầu của hệ thống y tế, là cơ sở y tế gần dân nhất, có chức năng cung cấp, thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn gồm: phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh ban đầu và thực hiện các chương trình sức khỏe… Số lượng nhân viên y tế tại Trạm Y tế trung bình từ 5-10 nguời nhưng phải quản lý trung bình trên 30.000 dân (nhiều trạm > 100.000 dân) nên nhiều lúc không thể đảm đương hết công việc.
Chính trong bối cảnh đó, sự hiện diện của các Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (CTVSKCĐ) là cánh tay hỗ trợ đắc lực trạm y tế phường, xã trong việc tiếp cận và truyền thông cho người dân về phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu, từ đó giúp họ nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Nhiệt tình, trách nhiệm với công việc
Bà Đỗ Thị Quýt (ngụ ở khu phố 3A, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) làm CTVSKCĐ được 4 năm nay. Hiện công việc của bà là hỗ trợ trạm y tế trong việc truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; hỗ trợ công việc tiếp nhận, ghi thông tin người dân đến tiêm chủng trong mỗi đợt tiêm chủng mở rộng ở trạm y tế và tiêm chủng lưu động tại các khu phố.
Địa bàn bà Quýt phụ trách là khu phố 3A, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa. Đây là khu phố rất rộng với hơn 3.700 hộ gia đình, hơn 20.000 dân được chia làm 42 tổ dân phố. Đặc điểm của P.Trảng Dài là dân di biến động, vì thế việc tìm địa chỉ nhất là những người ở trọ khá khó khăn. Đơn cử như mới đây khi nhận được thông tin một ca bệnh nhi bị mắc sốt xuất huyết, trạm y tế đề nghị bà xuống điều tra địa chỉ cư trú để tiến hành điều tra ca bệnh, phun khử khuẩn, tuy nhiên qua thông tin địa chỉ giấy ra viện chỉ cung cấp được địa chỉ ở tổ dân phố, số điện thoại của mẹ bé thì không thể liên lạc. Vì vậy bà phải lên tận trường học của trẻ để tìm hiểu thêm thông qua cô giáo chủ nhiệm của trẻ, đồng thời cùng với ban đại diện phụ huynh mới có thể tìm được địa chỉ phòng trọ của trẻ.
Bà Đỗ Thị Quýt trong một lần đến nhà người dân tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung.
Bà Quýt chia sẻ thêm: “Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nên việc tuyên truyền, thông báo đến người dân cũng dễ hơn. Khi có thông tin về lịch tiêm chủng, ca bệnh, các clip, bài tuyên truyền về dịch bệnh, tôi đều chuyển cho 42 tổ trưởng qua ứng dụng Zalo để các tổ trưởng gửi lên nhóm Zalo của tổ mình để người dân được biết. Đặc biệt mỗi dịp tiêm chủng tôi đều gửi đến các tổ dân phố, đồng thời sau đợt tiêm rà soát lại một lần nữa xem ai chưa đến tiêm, lý do là gì, để từ đó tuyên truyền vận động họ đưa con em đến tiêm”.
Theo chân chị Nguyễn Thị Lan, CTVSKCĐ khu phố 3, phường Trảng Dài đi vận động người dân đi khám sức khỏe miễn phí, chúng tôi bắt gặp những lời hỏi thăm từ người dân trong khu phố như "Cô Lan nay hỗ trợ trạm chích ngừa hả?" hay "Chị Lan nay làm vất vả quá?". Đủ thấy chị là một cộng tác viên rất nhiệt tình với công việc của mình.
Nhớ lại những ngày phòng chống dịch COVID-19, chị Lan xúc động khi nghĩ về những ngày cùng bà con vượt qua đại dịch. Chị cũng tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19, hỗ trợ những gia đình có người mất trong đại dịch... Ở thời điểm phong tỏa, trong khu phố chị phần lớn người dân là lao động chân tay không thể đi làm nên thiếu thốn về tiền bạc. Thấy vậy, chị đã cùng chồng lấy số tiền tiết kiệm ra để cho mỗi gia đình mượn 2 triệu đồng cầm cự qua đợt dịch.
Chị Nguyễn Thị Lan tham gia hỗ trợ Trạm Y tế phường Trảng Dài trong những ngày tiêm chủng mở rộng.
BS Nguyễn Thị Liên, Phụ trách Trạm Y tế P.Trảng Dài chia sẻ, Trảng Dài được xem là siêu phường của TP.Biên Hòa với số dân khoảng 120.000 người, riêng dân số của một khu phố đã bằng với số dân của một xã trung bình khác, trong khi nhân lực của trạm cũng chỉ bằng các trạm khác, điều này dẫn đến quá tải cho nhân viên y tế. Rất may trạm có lực lượng cộng tác viên hỗ trợ, nhất là trong công tác điều tra đối tượng, tiêm chủng, tuyên truyền… Mặc dù công việc vất vả, đi lại nhiều, phụ cấp thấp, nhưng họ rất nhiệt tình trong công việc.
Góp phần rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Hơn 21 năm làm CTVSKCĐ ấp 5, xã Thanh Sơn, H.Định Quán, trải qua nhiều giai đoạn dịch bệnh khác nhau, ông Lê Văn Độ cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là trong đợt dịch COVID-19, ông cùng với nhân viên y tế tham gia trực chốt, điều tra, truy vết, đưa người đi cách ly hầu như liên tục cả ngày lẫn đêm, không có giờ nghỉ ngơi, nhiều lúc đói và khát nhưng với trách nhiệm của mình, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Bản thân ông vốn là Phó bí thư chi bộ lại là trưởng ấp nên việc tuyên truyền các nội dung về y tế đều có thể kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp chi bộ, họp ấp…từ đó giúp người dân và các đảng viên hiểu và làm theo.
BS Trương Quốc Thương, Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Sơn, H.Định Quán cho biết, CTVSKCĐ là người trực tiếp sống và gắn bó với người dân, hiểu rõ phong tục tập quán của người dân địa phương nên việc tiếp cận người dân để tuyên truyền cũng dễ hơn. Đội ngũ này luôn tiên phong trong công tác phòng chống dịch bệnh, giúp người dân có cái nhìn tốt hơn, biết cách chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình, qua đó đóng góp cho y tế xã nhà nói chung cũng như các hoạt động chung của y tế huyện ngày càng tốt hơn. Nhờ đó nhiều năm qua tình hình dịch bệnh ở xã Thanh Sơn được kiểm soát, tỷ lệ người dân có BHYT đạt trên 95%.
Đánh giá về vai trò của CTVSKCĐ vào công tác chăm sóc sức khỏe trên địa bàn, BS.CKII Đậu Ngọc Trung, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa cho biết, hiệu quả mà CTVSKCĐ mang lại cho y tế địa phương rất lớn. Phần nhiều các cộng tác viên là người cao tuổi nhưng luôn hăng hái tích cực tham gia hỗ trợ các trạm y tế, kể cả trong đại dịch COVID-19 khắc nghiệt. Thông tin y tế được đưa đến người dân nhanh nhất là nhờ các CTVSKCĐ. Họ không chỉ đảm bảo quản lý sức khỏe cho người dân mà còn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đảm bảo công tác y tế dự phòng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mức phụ cấp dành cho CTVSKCĐ còn thấp, do vậy rất mong sẽ có những đãi ngộ tốt hơn để các CTV có thêm động lực gắn bó lâu dài với công việc.
Hoàn Lê