Khắc ghi lời Bác dạy “Lương Y như từ mẫu”, những y, bác sĩ đang công tác trong ngành Y tế Đồng Nai luôn nỗ lực học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện y đức để xứng danh với lời dạy của Bác. Dù công việc có những áp lực, vất vả riêng, nhưng hội tụ ở họ một điểm chung, đó là sự tận tâm với nghề, với người bệnh vì một mục đích cao cả chăm sóc, điều trị tốt và tạo sự hài lòng cho người bệnh.
Bác sĩ trẻ khao khát chinh phục kỹ thuật cao để cứu người bệnh
Năm 2018, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa Trường đại học Y khoa Vinh, BS Lê Văn Tuấn đã nhận công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm y tế H.Cẩm Mỹ.
BS Tuấn cho biết, mới đầu tiếp nhận công việc và điều trị cho bệnh nhân, anh rất lo lắng, tuy nhiên với sự giúp đỡ, động viên của các đồng nghiệp trong khoa, sự tin tưởng của lãnh đạo trung tâm, sự cố gắng của bản thân vừa làm vừa học hỏi, anh đã dần quen việc hơn. Rồi khi tự mình đứng mổ chính ca cắt ruột thừa cho bệnh nhân thành công, càng thôi thúc niềm khao khát của một bác sĩ trẻ là thực hiện được các kỹ thuật cao để cứu người bệnh.
BS.CKI Lê Văn Tuấn chụp hình với một bệnh nhân được anh phẫu thuật thành công trước khi ra viện.
Để thực hiện điều này, BS Tuấn đã nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề thông qua các khóa học chuyên sâu về phẫu thuật nội soi Ngoại tổng quát cơ bản ở Bệnh viện Bình Dân, các lớp cập nhật kiến thức và kỹ năng điều trị bệnh trĩ băng máy khâu bấm (phẫu thuật Longo), kỹ thuật tiêm khớp - tiêm gân,… ở các bệnh viện TP.Hồ Chí Minh. Anh cũng đã hoàn tất khóa học chuyên khoa I Ngoại tổng quát của Trường đại học Y dược TP.HCM.
“Việc được đi đào tạo chuyên sâu đã giúp tôi học hỏi được nhiều thứ, nâng cao tay nghề trong chẩn đoán và phẫu thuật. Từ đó tôi đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới cho đơn vị và cứu chữa được cho nhiều bệnh nhân tại địa phương” – BS Tuấn nói.
Sau gần 7 năm công tác, BS Tuấn cùng tập thể khoa đã triển khai và ứng dụng hơn 50 kỹ thuật ngoại khoa mới để điều trị cho bệnh nhân. Trong đó, có nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến thuộc các tuyến tỉnh và trung ương như: phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới tiền phúc mạc điều trị thoát vị bẹn, thoát vị đùi (TAPP ,TEP); nội soi 1 lỗ đóng ống phúc tinh mạc điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em; phẫu thuật nội soi cắt túi mật; khâu lỗ thủng dạ dày - tá tràng; phẫu thuật kết hợp đầu trên xương cánh tay, xương chày… Minh chứng cho điều đó là việc trung tâm là một trong những đơn vị y tế tiên phong tuyến huyện mạnh dạn triển khai phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn. Đây là kỹ thuật mới, tiến tiến và đang được sử dụng thịnh hành ở nhiều nước y tế phát triển. Ở Việt Nam chỉ có các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh mới triển khai được kỹ thuật này.
Điển hình trường hợp V.T.A.T., 13 tuổi, nhập viện trong tình trạng khối phồng ở bẹn phải, to lên khi chạy nhảy, gắng sức. Qua thăm khám, thực hiện siêu âm, CT-Scanner và xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị bẹn bẩm sinh và được chỉ định phẫu thuật nội soi một lỗ. BS Tuấn là người trực tiếp phẫu thuật thành công cho ca bệnh này.
Mẹ bé V.T.A.T., cho biết: “Sau phẫu thuật cháu hồi phục nhanh, sức khỏe ổn định và được xuất viện vào ngày thứ hai sau mổ. Nhờ BS Tuấn mà con gái tôi được điều trị gần nhà, không cần phải đi xa, giảm được chi phí”.
Trải qua nhiều năm công tác, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, BS Tuấn luôn được bệnh nhân tin yêu, được lãnh đạo bệnh viện tín nhiệm bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Khoa Ngoại tổng quát. Dù ở cương vị nào, BS Tuấn luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của một người thầy thuốc, bởi theo anh điều quan trọng nhất của một bác sĩ là cái tâm để cứu chữa cho người bệnh.
Bệnh nhi khỏe mạnh là động lực để cố gắng
Đối với nghề điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi đã vất vả, chăm sóc bệnh nhi lại càng áp lực hơn. Thế nhưng, chị Trần Tôn Nữ Anh Ty, điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vẫn luôn miệt mài cống hiến với nghề mình đã chọn.
Chị Anh Ty cho biết, với nhiệm vụ được giao vừa là quản lý đội ngũ điều dưỡng, hộ lý, còn là người trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là những bé sinh non tháng mắc bệnh nặng. Có những lúc phải đối mặt với tình huống căng thẳng, áp lực, đó là bệnh quá đông và nặng, trong khi nhân lực thiếu…. Tuy nhiên, bằng sự kiên nhẫn, tinh thần trách nhiệm cao và có nhiều năm kinh nghiệm, chị Anh Ty đã kịp thời xử lý nhanh chóng mọi tình huống để mang lại niềm vui cho bệnh nhi và người nhà của trẻ.
Chị Trần Tôn Nữ Anh Ty thường xuyên chăm sóc, tạo sự gần gũi giúp trẻ có được cảm giác an toàn.
Theo chị Anh Ty, một trong những kỹ năng quan trọng giúp cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ sơ sinh, đó là theo dõi dấu hiệu hàng ngày của trẻ. Chẳng hạn, nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về khó thở, hay gặp vấn đề về tiêu hóa,… chị Anh Ty sẽ lập tức thông báo cho bác sĩ để xử trí kịp thời. Bên cạnh việc theo dõi tình trạng của trẻ, chị Anh Ty thường xuyên tạo sự gần gũi, âu yếm và tương tác với trẻ, bởi theo chị, tình cảm và sự chăm sóc nhẹ nhàng có thể giúp bé cảm thấy an toàn hơn.
Trong ngần ấy năm công tác và chăm sóc rất nhiều trẻ sơ sinh, với mỗi bệnh nhân để lại trong chị mỗi kỷ niệm khác nhau, vui, buồn đều có. Trường hợp một bệnh nhi vẫn làm chị nhớ nhất, đó là bệnh nhi sinh non tháng 28 tuần, nặng 900gr, bé bị suy hô hấp nặng, bệnh màng trong, nhiễm trùng huyết. Bé phải thở máy, truyền dịch, kháng sinh. Là người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhi, chị luôn tư vấn và động viên người nhà để họ yên tâm. Sau những ngày được chăm sóc, điều trị cuối cùng sức khỏe bé ổn định và được xuất viện. Kể từ khi bé ra viện đến nay đã được 7 tuổi, phát triển bình thường, tuy nhiên người nhà vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm chị.
Chị Anh Ty chia sẻ: “Mỗi khi nhìn thấy những trẻ sơ sinh do mình chăm sóc được khỏe mạnh qua từng ngày, đã tự thở, tự bú mẹ, hay nhìn thấy niềm vui, nụ cười của người nhà khi các bé được xuất viện, thì đó là niềm vui, động lực để chị càng phải cố gắng hơn nữa”.
Tận tâm với người bệnh
Hơn 20 năm làm kỹ thuật viên vật lý trị liệu (VLTL), cử nhân Thái Thị Hồng Nhung, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh đã dùng đôi bàn tay khéo léo, lành nghề của mình để thực hiện các thủ thuật xoa bóp, bấm chườm đá, siêu âm điều trị, sóng ngắn… giúp nhiều người bệnh bị tai biến, chấn thương cột sống, yếu liệt, thoái hóa khớp vượt qua đớn đau, hồi phục sức khoẻ.
Cách đây không lâu, dưới bàn tay khéo léo và sự kiên nhẫn, tận tình của chị đã giúp một bệnh nhân nữ 20 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, vượt qua sự tự ti và nỗi đau bệnh tật. Chị Nhung kể, bệnh nhân vào viện do bị yếu liệt tứ chi, tinh thần suy sụp, hoảng loạn, nhận thức kém, ngôn ngữ không hoàn thiện. Mới đầu bệnh nhân không hợp tác điều trị vì mặc cảm. Tuy nhiện, với sự hướng dẫn, động viên của chị cùng người nhà, bệnh nhân mới chịu tập VLTL. Theo đó, mỗi lần tập VLTL cho bệnh nhân là chị lại kể những câu chuyện vui, để bệnh có những suy nghĩ tích cực, quên đi sự tự ti, giúp bệnh nhanh hồi phục hơn. Sau 3 tháng tập luyện, với sự kiên trì của bệnh nhân và sự tận tâm của chị Nhung, bệnh nhân đã tự đi lại được, tinh thần và lối suy nghĩ tích cực hơn.
Chị Thái Thị Hồng Nhung tập VLTL cho một bệnh nhân bị tai biến tại bệnh viện.
Không riêng gì bệnh nhân nói trên, có nhiều bệnh nhân khác vào đây điều trị rất khó tính, không chịu hợp tác, tuy nhiên với kinh nghiệm trong nghề của chị Nhung đã làm thay đổi tư tưởng, giúp họ hồi phục sức khỏe. Có những bệnh nhân sau quá trình điều trị kết thúc, sức khỏe hồi phục, đã quay lại cảm ơn chị và mọi người trong khoa. “Mỗi khi thấy bệnh nhân do mình chăm sóc, điều trị được hồi phục, nắm tay cảm ơn trước khi được xuất viện là tôi thấy vui và hạnh phúc. Chính những cái nắm tay của bệnh nhân là động lực giúp tôi quên đi mệt mỏi, áp lực và hứa với bản thân phải phấn đấu hơn nữa với nghề của mình” – chị Nhung chia sẻ.
Trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân, chị Nhung thấy có nhiều bệnh nhân sau khi bị tai biến dẫn đến không nói được, nói không đúng. Để giúp bệnh bệnh nhân hồi phục giao tiếp, không bị mặc cảm quay trở lại cuộc sống bình thường, chị Nhung và 2 đồng nghiệp khác đã mạnh dạn xin lãnh đạo bệnh viện đi học lớp ngôn ngữ trị liệu. Sau khi học xong sẽ triển khai tại bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân.
Sao Mai