Rối loạn Tic (Tic Disoder) là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là Tic vận động; xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là Tic âm thanh. Khi có những dấu hiệu này, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị, nhằm phòng ngừa biến chứng về thần kinh.
Nhiều loại hình rối loạn Tic
Đang cho con trai (8 tuổi) theo điều trị rối loạn Tic tại Khoa Nhi Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, chị N.T.T., ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hoà chia sẻ, thời gian qua chị thấy con mắt cứ nheo, giật. Gia đình cũng nghĩ là sau thời gian học online và xem ti vi mắt con bị mắc các tật khúc xạ. Chị cho con đi khám mắt các nơi kể cả lên TP. Hồ Chí Minh nhưng các bác sĩ đều kết luận mắt của bé bình thường. Tình trạng của bé kéo dài, chị đưa con đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Tại đây qua thăm khám bé được kết luận là rối loạn Tic và đưa vào chương trình điều trị.
Theo BS Nguyễn Văn Tùng, Khoa cấp tính Nam – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2: Tic là những vận động hoặc phát âm không tự chủ, đột ngột, nhanh, tái diễn, không có nhịp điệu, có tính chất định hình. Kéo dài không quá 1 giây, có tính chất cơn; thường xảy ra đơn độc hoặc phối hợp thành chuỗi liên tiếp nhau và đa dạng về tần số, cường độ. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Có khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học mắc phải rối loạn này; thường trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Đối với một số trẻ, rối loạn này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi lớn, nhưng cũng có trẻ đối mặt với nó đến khi trưởng thành.

Sử dụng các thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân gây rối loạn Tic ở trẻ.
Rối loạn Tic được chia thành nhiều nhóm với những biểu hiệu nhận biết khác nhau. Biểu hiện của Tic vận động đơn giản bao gồm nháy mắt, liếc mắt, nhăn mặt, nhún vai, giật vùng đầu cổ, gồng bụng, giật mũi, cử động miệng, bĩu môi, giật tay… Tic âm thanh đơn giản gồm hắng giọng, ho, hỉ mũi, khạc nhổ, thét lên, sủa, huýt gió, tiếng ríu rít, lầm bầm… Đối với Tic phức tạp kéo dài lâu hơn và gồm nhiều nhóm cơ, vận động (nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy…) hoặc về âm thanh (nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét, nói tục...).
Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ
Rối loạn Tic mức độ nhẹ đến trung bình thường không ảnh hưởng đến đời sống thường ngày. Tuy nhiên, rối loạn Tic cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt và hình ảnh bản thân trẻ dễ dẫn đến bị cô lập, mâu thuẫn trong các mối quan hệ hoặc thậm chí bị bắt nạt. Do đó, gia đình cần thấu hiểu và đồng hành với trẻ.
BS Nguyễn Thị Kim Hoà, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết: “Mỗi ngày, trung bình Phòng khám Nhi của bệnh viện tiếp nhận 3-5 trẻ (trong tổng số 50-60 bệnh nhân đến khám) có rối loạn Tic. Một số trường hợp dùng thuốc sau một thời gian ngắn có thể hồi phục. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sau thời gian dùng thuốc không đáp ứng nên tái phát, buộc phải nhập viện. Trường hợp này, bên cạnh dùng thuốc, các bác sĩ còn kết hợp liệu pháp tâm lý cho trẻ. Hầu hết sau khoảng 3-6 tháng, tình trạng của trẻ sẽ cải thiện, cũng có những trường hợp kéo dài hơn”.
Hiện nay, quá trình điều trị rối loạn TIC thường kéo dài, các bác sĩ thường can thiệp xoay quanh các liệu pháp tâm lý - hành vi, kết hợp sử dụng thuốc. Phụ huynh nên chú ý phát hiện sớm những dấu hiệu trẻ mắc rối loạn Tic. Cha mẹ cần đưa con đến khám ở các chuyên khoa và thực hiện xét nghiệm cũng như tư vấn hướng điều trị can thiệp phù hợp với từng trường hợp. “Đặc biệt, khi vào chương trình điều trị, phải tuyệt đối tuân thủ sử dụng thuốc mà bác sĩ kê đơn, không tự ý bỏ thuốc, nếu có tác dụng phụ phải báo cho bác sĩ điều trị, và hạn chế tự mua thuốc, thực phẩm chức năng theo quảng cáo cho trẻ uống, cha mẹ cần phải kiên trì phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị”- BS Hoà khuyến cáo.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng Tic thường gia tăng khi con gặp lo âu, phấn khích hay mệt mỏi. Vì thế, việc tổ chức những hoạt động nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung, chú ý của trẻ góp phần giảm nhẹ tác động của Tic. Ngoài ra, việc động viên, khen thưởng khi trẻ có cố gắng kiểm soát Tic cũng góp phần gia tăng hành vi tích cực của trẻ.
Khi công nghệ chưa phát triển, bệnh này đã được lịch sử y khoa ghi nhận. Tuy nhiên, một số yếu tố về môi trường và sinh học có thể gây ra hội chứng này. Ví dụ, các chất gây dị ứng, hóa chất trong sản phẩm làm sạch; thậm chí do bị ảnh hưởng bởi phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử. Cũng có nghiên cứu cho rằng, rối loạn Tic do di truyền, do những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh. Hội chứng Tic cũng có thể do đột quỵ, chấn thương đầu, nhiễm trùng, thoái hóa thần kinh, tế bào gai thần kinh và nhũn não…
Mai Liên