Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) đã phẫu thuật lấy khối sỏi san hô "khổng lồ" ra khỏi thận phải cho bệnh nhân P.T.H.O., 58 tuổi, ngụ tại xã Phú Túc, huyện Định Quán do tình cờ đi khám sức khỏe phát hiện ra.
Bệnh nhân cho biết mới đây, khi thấy chân bên phải mỏi nhiều, bà đã đến bệnh viện thăm khám thì bác sĩ phát hiện có khối sỏi khổng lồ ở thận phải, nên nhập viện ngay để được can thiệp kịp thời tránh nguy cơ biến chứng.
Video: Bệnh viện ĐK Thống Nhất phẫu thuật lấy khối sỏi san hô 'khổng lồ' cho nữ bệnh nhân
BS.CKI Cao Chí Viết đang thăm khám cho bệnh nhân sau mổ.
BS.CKI Cao Chí Viết - Phụ trách khoa Ngoại tiết Niệu Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết: “Trường hợp này rất phức tạp do sỏi lấp đầy các đài ở thận phải của bệnh nhân, gây ứ nước độ 3. Có 3 đài thận thì sỏi lấp đầy cả 3 đài thận. Trên phim CT cho thấy kích thước viên sỏi dạng san hô to khổng lồ khoảng 80mm được tạo bởi nhiều cụm như nhánh gừng, mỗi cụm khoảng từ 47-50mm”.
Do khối sỏi rất to và phức tạp nên bệnh viện đã nhờ sự hỗ trợ của PGS-TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy để cùng thực hiện ca phẫu thuật. Trong gần 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã mổ hở, lấy toàn bộ sỏi trong thận và hút ra rất nhiều mủ cho bệnh nhân. Đến sáng 28/9, sức khỏe bệnh nhân ổn định, dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.
Bệnh nhân P.T.H.O., 58 tuổi, ngụ tại xã Phú Túc, huyện Định Quán chia sẻ: “Mổ xong tôi thấy người khỏe lại bình thường, không đau đớn gì cả, chỉ hơi ê; bác sĩ có dặn không được lơ là mà phải đi khám sức khỏe định kỳ. Ca mổ đã thành công, tôi rất mừng và xin cảm ơn ê kíp mổ đã hết lòng phẫu thuật cho tôi”.
Hình những viên sỏi thận được lấy ra khỏi người bệnh nhân P.T.HO.
BS.CKI Cao Chí Viết cho hay, đặc trưng của sỏi thận có 2 loại: một là thể hiện qua triệu chứng lâm sàng như đau vùng hông lưng, có thể kèm theo đi tiểu buốt, nước tiểu đục, tiểu có máu. Hai là không có triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện ra khi đi khám.
Để phòng ngừa sỏi thận, BS Cao Chí Viết khuyến cáo :“Cách tốt nhất là uống nhiều nước, mỗi ngày cần uống nước lọc từ 2-2,5 lít để thận đào thải cặn bã ra ngoài nhằm bảo vệ thận, đặc biệt là đối với 1 số người như: lái xe hay những nghề nghiệp khác mà ít có thời gian uống nước thì 1 tháng hoặc 3 tháng nên đi kiểm tra 1 lần, nếu phát hiện cặn lắng trong thận kể cả khi chưa thành sỏi thì cũng cần tái khám để được điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng và nguy cơ biến chứng. Đối với bệnh nhân P.T.H.O., sau khi mổ xong nếu không sốt, không nhiễm trùng, không tiểu ra máu thì khoảng 4 tuần sau tái khám, tốt hơn hết là khoảng 2 hoặc 3 tuần trở lại kiểm tra để bác sĩ đánh giá chức năng của thận, độ lọc của thận; nếu có điều kiện hơn thì làm xạ hình thận sẽ đánh giá chính xác gần như tuyệt đối chức năng thận; nếu chưa có điều kiện thì chỉ cần làm xét nghiệm máu, thử u rê, độ lọc của thận cũng có thể đánh giá tương đối chức năng của thận”.
Bích Ngọc