Ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất đối với phụ nữ. Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện giai đoạn sớm và giúp tăng tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 99%. Do đó, việc chủ động tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa căn bệnh này.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư vú
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú như: Có khối u, 80-90% bệnh nhân ung thư vú có khối u và có thể sờ nắn được bằng tay khi kích thước từ 1cm trở lên.
Tiết dịch núm vú, khoảng 5% bệnh nhân ung thư vú có tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc dịch hồng.
Đau tức ngực: khối u ác tính tại vú có nhiều kích thước khác nhau, có thể là khối u đơn lẻ, hay các khối u nằm rải rác phía sau núm vú hoặc ở một trong các ống dẫn sữa. Tất cả đều làm đẩy mô vú, gây cảm giác đau, sưng và khó chịu ở ngực.
Ngứa ở ngực: các tế bào ung thư phát triển nhanh chặn mạch máu và bạch huyết mạch ở da, khiến cho chất lỏng tích tụ trong và dưới da, gây kích thích da, gây ngứa khó chịu cho người bệnh.
Đau lưng, vai, gáy: cơn đau lưng, vai gáy ở các bệnh nhân ung thư vú thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai. Triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp cột sống vì thế mà nhiều người chủ quan.
Thay đổi hình dạng và kích thước vú: khi bị ung thư vú, ngực to hơn, chảy xuống thấp hơn, có hình dạng khác thường. Sự thay đổi ở núm vú, có thể dẹt hơn, thụt vào trong, hay tiết dịch từ núm vú, có thể lẫn kèm máu. Da của núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy, hay viêm.
Sưng hoặc có khối u, hạch ở nách: hạch bạch huyết có thể là nguyên nhân của bệnh cảm cúm, nhiễm trùng hoặc là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú. Ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm vú, nhưng cũng có thể là ung thư vú dạng viêm.

Bác sĩ tư vấn về cách phòng bệnh ung thư vú cho người dân tại Cơ sở 3, CDC Đồng Nai.
Tự khám và kiểm tra vú tại nhà
Ngoài việc đi khám định kỳ, để phát hiện và phòng ngừa ung thư vú hiệu quả, chị em phụ nữ có thể tự khám và kiểm tra vú tại nhà. Việc tự khám vú mặc dù không thể xác định chính xác bạn có phải bị ung thư vú hay không, tuy nhiên đó là hành động đầu tiên để phòng, chống ung thư vú. Thông qua đó, giúp chị em phụ nữ tự phát hiện những bất thường ở tuyến vú, có u, hạch hoặc mảng cứng bất thường và sau đó đến các cơ sở chuyên khoa khám, tư vấn và làm các xét nghiệm để xác định tổn thương lành tính hay ung thư để có hướng điều trị phù hợp.
Theo đó, khi ở nhà chị em phụ nữ có thể tự khám vú hàng tháng, sau sạch kinh 5 ngày. Bước đầu tiên cần cởi bỏ áo, nơi tiến hành tự khám vú có thể ở trước gương lớn phòng ngủ hoặc trước gương lớn trong phòng tắm, có đầy đủ ánh sáng, có thể ngồi hoặc đứng. Quan sát xuôi tay xem có các thay đổi ở vú hay không như màu sắc da, u cục, co kéo, lệch tụt núm vú hoặc lõm da…
Đưa tay ra sau gáy sau đó quan sát vào gương, rồi chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hay hạ vai xuống. Động tác này làm cho các thay đổi nếu có sẽ rõ hơn. Nặn nhẹ đầu vú, quan sát xem có dịch chảy ra hay không, vì có khoảng 5% bệnh nhân ung thư vú có tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc dịch hồng.
Sờ nắn tư thế đứng: Đưa tay phải ra sau gáy, dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát nhau thành 1 mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra ngoài. Kiểm tra (từng vòng của vú) và cả về phía nách, làm tương tự như vậy với vú bên trái.
Đối với tư thế nằm: Nằm ngửa thoải mái, bộc lộ ngực trần, đặt 1 gối mỏng ở dưới lưng bên trái. Lặp lại quá trình khám như tư thế đứng và chuyển gối, làm lại cho bên phải.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và cách phòng ngừa
Để phòng ngừa ung thư vú hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo không chỉ tầm soát, sàng lọc ở độ tuổi trên 40 mà nên tầm soát ở độ tuổi từ 20 trở lên. Vì hiện nay ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú cao thì nên tầm soát sớm. Như tiền sử bản thân mắc ung thư buồng trứng, ung thư phúc mạc hoặc ung thư vú, tiền sử gia đình mắc ung thư vú (từ 5-30%), buồng trứng hoặc phúc mạc, xạ trị vùng ngực khi từ 10-30 tuổi. Ngoài ra, do môi trường, lối sống, tuổi tác, khả năng miễn dịch của cơ thể…
Bên cạnh đó, hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích. Tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ và quan trọng nhất là khám định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh.
BS.CKI Đinh Thị Vân
Khoa Sức khỏe sinh sản – CDC Đồng Nai