Bệnh hen phế quản nghề nghiệp là bệnh hen do tác động, ảnh hưởng của các yếu tố gây bệnh trong môi trường lao động gây nên. Đây là bệnh gây mất khả năng lao động nghiêm trọng và hiện nay đang có xu hướng gia tăng ở nước ta cũng như các nước trên thế giới.
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp và có 500 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp. Đến hết năm 2023, ở Việt Nam có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp. Bệnh hen phế quản nghề nghiệp (HPQNN) là một trong số các bệnh nghề nghiệp đó, bệnh đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù ở nước ta từ năm 2006.
Các yếu tố gây bệnh HPQNN trong môi trường lao động
Các yếu tố gây bệnh HPQNN trong môi trường lao động bao gồm các yếu tố gây mẫn cảm và các yếu tố gây kích thích.
Trong đó, các yếu tố gây mẫn cảm trong môi trường lao động chủ yếu là yếu tố có nguồn gốc thực vật như các hạt, bột mì, cà phê, chè, thuốc lá; nguồn gốc động vật như len, bụi từ súc vật thực nghiệm, từ bọ mạt, côn trùng; các kim loại đặc biệt muối kim loại như bạch kim, crom, nickel; các hợp chất hữu cơ như formaldehyde, phenylen diamin, isocyanate, đặc biệt là toluene, diisocyanat, phthalic anhydrite, eppoxyresin; các loại kháng sinh, các enzyme như chất tẩy rửa… Các yếu tố gây kích thích trong môi trường lao động gồm chất kiềm và acid mạnh, những chất oxy hóa mạnh như ammoniac, clo, clorit hydro, phosgene, oxyd nitơ hay SO2.

CDC Đồng Nai khám phát hiện và khám định kỳ bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Dựa trên những yếu tố gây bệnh đó thì những công việc, ngành nghề có nguy cơ cao mắc bệnh HPQNN gồm những nghề như chăn nuôi súc vật, thợ mộc, thợ in, sản xuất giấy, công việc sử dụng chất tẩy rửa, tiếp xúc với phức hợp platin, với toluen diisocyanat, sản xuất bột ngũ cốc, dầu thực vật, mỹ phẩm, mạ kim loại, chế biến cà phê, dược phẩm, công nghiệp điện, điện tử, phun sơn, chất dẻo…
Triệu chứng và tác hại của bệnh HPQNN
Triệu chứng chủ yếu trong bệnh HPQNN lúc đầu là khó thở (thở khò khè, có tiếng ran rít, ran ngáy) khi lao động, hay tái diễn với sự tăng sức cản đường thở. Triệu chứng khó thở thường nhẹ hơn trong những ngày nghỉ, nhưng lại nặng hơn trong những ngày lao động tiếp theo. Ngoài ra, người bệnh có thể có triệu chứng khác kèm theo như viêm mũi (hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi) và phần lớn bệnh nhân ho có đờm.
Đối với những người có tính mẫn cảm, triệu chứng thường xuất hiện khi họ đã lao động ở một nghề nào đó trong 4-5 năm. Còn ở người không mẫn cảm rồi sau cũng cảm nhiễm và hen xuất hiện muộn hơn, sau nhiều năm nữa.
Đây là một bệnh có nhiều tác hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các tác hại có thể kể đến bao gồm gây ra sự mệt mỏi, khó chịu khi các triệu chứng hen, cơn hen xuất hiện làm cho người bệnh khó thở, hạn chế khả năng vận động và có thể gây mất khả năng lao động nghiêm trọng; khiến người bệnh cảm thấy bất an, lo lắng về tương lai gây ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu; ngoài ra, mắc HPQNN có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như viêm phổi, viêm phế quản…
Các biện pháp phòng bệnh HPQNN
Việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng để bảo vệ sức khoẻ người lao động, giảm thiểu các tác hại của bệnh hen nghề nghiệp.
Để phòng bệnh HPQNN, môi trường làm việc phải được kiểm soát tốt các yếu tố gây bệnh, từ đó giúp hạn chế, tránh nguy cơ mắc bệnh cho người lao động trong quá trình lao động, sản xuất. Để làm được điều đó, nơi làm việc cần lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hơi khí độc tại chỗ và chung của phân xưởng. Bên cạnh đó, cần điều tra các yếu tố nguy cơ có thể gây hen phế quản nghề nghiệp cho người lao động, nắm rõ danh mục loại dị nguyên có thể gây bệnh trong sản xuất. Thay thế dần các loại nguyên liệu là các dị nguyên gây bệnh. Cung cấp các thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Người có cơ địa mẫn cảm cần tránh làm những nghề có nguy cơ cao mắc bệnh HPQNN. Ngoài ra, người sử dụng lao động cần tổ chức khám sức khoẻ tuyển dụng để loại những người có bệnh ngoài da mạn tính, cơ địa dị ứng, mẫn cảm, tiền sử hen gia đình. Thử nghiệm da trong khám sức khoẻ tuyển dụng cũng có giá trị cao giúp giảm tỷ lệ mắc hen nghề nghiệp tại cơ sở sản xuất.
Đồng thời, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện và khám định kỳ bệnh nghề nghiệp cho người lao động để phát hiện sớm, kiểm soát tốt các bệnh nghề nghiệp có thể mắc phải, trong đó có HPQNN.
Khi phát hiện bệnh HPQNN, thì người lao động cần có biện pháp bảo vệ sức khoẻ hiệu quả như giảm thời gian và mức độ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Nếu bệnh tiến triển nặng cần đến cơ sở y tế để được tư vấn phác đồ điều trị, ngăn ngừa bệnh tái phát.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai