Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, đã ghi nhận ca tử vong liên quan đến bệnh sởi tại thành phố Hồ Chí Minh. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, giúp ngăn chặn bùng phát dịch sởi, trong đó tiêm vắc xin sởi là biện pháp hàng đầu.
Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.
Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do vi rút sởi hoặc do bội nhiễm sau sởi thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai. Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng. Phụ nữ mang thai bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới
Tại Đồng Nai, tới ngày 15-8 ghi nhận 34 ca bệnh sởi tăng so với cùng kỳ năm 2023 (01 ca).
Tại một số tỉnh lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh tình hình bệnh sởi cũng đang diễn biến phức tạp. Ngày 11-8 vừa qua, thông tin từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết trên địa bàn ghi nhận 03 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Trong đó, 01 trường hợp chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, 01 trường hợp chưa đến tuổi tiêm chủng. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị. Đáng chú ý, trong số các ca bệnh sởi được xác định từ đầu năm đến nay chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ tại CDC Đồng Nai.
Mặc dù hiện nay bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Tuy nhiên, Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước; là một trong ba góc nhọn của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Cùng với sự phát về triển kinh tế và hệ thống hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi giữa các tỉnh, lượng người từ các địa phương khác qua lại tỉnh Đồng Nai là rất lớn. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ mang theo mầm bệnh sởi từ ngoài xâm nhập vào tỉnh và cũng như gây ra nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nếu xảy ra dịch.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc nói chung và tại Đồng Nai nói riêng, trong đó có vắc xin sởi. Nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng sởi đủ số mũi và đúng lịch trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát bệnh sởi. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sởi.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn bùng phát dịch sởi
Phần lớn các ca bệnh sởi xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi hoặc trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng mắc sởi.
Một số ít trẻ đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi. Khi tích lũy đủ lớn số trẻ chưa có miễn dịch thì dịch sẽ xảy ra. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của tiêm phòng vắc xin sởi, của miễn dịch cộng đồng.
Để chủ động phòng bệnh sởi, người dân cần đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Ngoài ra, bệnh sởi rất dễ lây, dó đó các bậc phụ huynh không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
Khi trẻ không may bị mắc bệnh cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội.
Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng.
BS. Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai)