Ngày 06-4-2016, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018. 

Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) có 5 chương và 37 điều, quy định về việc thực hiện quyền TCTT của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước (CQNN) trong việc bảo đảm quyền TCTT của công dân. Theo đó, một số nội dung cơ bản về TCTT bao gồm:

Nguyên tắc đảm bảo quyền TCTT 

Luật quy định, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền TCTT; Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Việc hạn chế quyền TCTT phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Việc thực hiện quyền TCTT của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền TCTT.

Những hành vi bị nghiêm cấm

Công dân có quyền TCTT theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Các CQNN có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo đảm việc thực hiện quyền TCTT. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền TCTT của CQNN và công dân đều có nghĩa vụ nhất định. Theo đó, không được thực hiện các hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin. 

Những thông tin công dân không được tiếp cận

Những thông tin thuộc bí mật nhà nước bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Tuy nhiên, khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được TCTT theo quy định của luật này.

Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác.

Thông tin thuộc bí mật công tác.Thông tin về cuộc họp nội bộ của CQNN. Tài liệu do CQNN soạn thảo cho công việc nội bộ.

Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện bao gồm:  

Thông tin về bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; Bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; Bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu CQNN quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý của các chủ thể nêu trên.

Bên cạnh đó, Luật quy định những thông tin phải được công khai rộng rãi như: Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của CQNN; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách; Dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch, chương trình, mục tiêu hàng năm; Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công…; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch…; 

Đối với người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể thực hiện quyền TCTT thông qua: Hệ thống phát thanh, truyền hình; tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; sinh hoạt cộng đồng…;

Đối với người khuyết tật, căn cứ vào điều kiện thực tế, CQNN thiết lập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật TCTT…

Luật cũng quy định cụ thể các hình thức, thời điểm công khai thông tin, trong đó quy định về việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, niêm yết tại trụ sở,…

Các chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong TCTT

- Hành vi làm lộ bí mật công tác, bí mật nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Về xử lý hình sự: 

Điều 361. Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác: 

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức; e) Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Điều 362. Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác:

1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:  

a) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;

b) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Về xử lý vi phạm hành chính

Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cung cấp thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân ở trong nước và nước ngoài không đúng theo quy định;

b) Mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ra nước ngoài mà không được phép của cơ quan và người có thẩm quyền;

c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Bích Ngọc 

Share with friends

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN