Vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thêm Mu vào danh sách biến thể quan tâm. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy khả năng lây truyền của nó thấp hơn so với biến thể Delta nhưng nó có thể trốn tránh sự bảo vệ của vắc xin.
Biến thể Mu là gì?
Một trong những biến thể mới nhất của COVID-19, gọi là Mu- còn gọi là B.1.621, đã lan rộng đến 42 quốc gia, .
Biến thể Mu nhanh chóng trở thành chủng virus nổi trội ở Colombia, nơi nó được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1/2021. Nhưng ở Mỹ, nơi biến thể Delta chiếm ưu thế, Mu lây lan không đáng kể. Sau khi đạt mức cao nhất vào cuối tháng 6, sự lây lan biến thể Mu ở Mỹ đã giảm dần. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính rằng chỉ có khoảng 0,1% các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ là do biến thể Mu.
Cho đến nay đã có 11 biến thể đáng chú ý được WHO đặt tên theo các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. Biến thể Mu là phiên bản thứ 12.
Biến thể Mu có những đột biến có thể làm cho nó dễ lây nhiễm hơn
Hầu hết các trình tự gene tiết lộ rằng Mu có 8 đột biến trong protein đột biến của nó, nhiều đột biến trong số đó cũng có ở các biến thể cần quan tâm: Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Một số đột biến ở Mu, như E484K và N501Y giúp tránh được kháng thể từ vaccine theo công nghệ mRNA. Trong các biến thể Beta và Gamma, đột biến E484K làm cho các biến thể này có khả năng chống lại một liều vắc xin mRNA.
Mu cũng chứa đựng những đột biến mới chưa từng thấy trong các biến thể trước đây. Các nhà khoa học cho biết đột biến ở vị trí 346 làm gián đoạn sự tương tác của các kháng thể với protein đột biến, có thể khiến virus dễ dàng thoát ra ngoài hơn.
Alfonso Rodriguez-Morales, Chủ tịch Hiệp hội Truyền nhiễm Colombia cho biết: "Hiện tại, chúng tôi không có bằng chứng cho thấy rằng thực sự biến thể mới này có liên quan đến sự thay đổi trong đại dịch COVID-19".
Nhưng một số manh mối đang xuất hiện cho thấy rằng Mu có thể làm suy yếu khả năng bảo vệ của các kháng thể được tạo ra bởi các loại vắc xin hiện có.
Mu có những đột biến có thể làm cho nó dễ lây nhiễm hơn.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể này có thể tránh hệ thống miễn dịch tốt hơn nhưng lại thua Delta ở khả năng lây nhiễm.
Virus do phòng thí nghiệm tạo ra bắt chước biến thể Mu ít bị ảnh hưởng bởi các kháng thể từ những người đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc đã được tiêm vaccine Pfizer. Trong nghiên cứu này, Mu là biến thể kháng vaccine cao nhất trong tất cả các biến thể được biết đến hiện nay.
Vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu để phòng chống COVID-19
Michael Grosso - Giám đốc Y tế kiêm Chủ nhiệm Khoa nhi tại Bệnh viện Northwell Health's Huntington ở New York, Mỹ cho biết: "Khi loại virus này lưu hành càng lâu, thì khả năng xuất hiện các đột biến càng lớn để bảo vệ nó khỏi các loại vắc xin hiện nay".
Việc thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng bệnh như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp đẩy lùi được dịch bệnh.
Còn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định mức độ nguy hiểm của biến thể Mu. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng cách duy nhất để giảm khả năng đột biến của virus là không có vật chủ để nó sinh sống.
Theodore Strange - Phó Chủ tịch Y khoa tại Bệnh viện Đại học Staten Island ở New York cho biết: "Virus cần một vật chủ sống. Vật chủ đó là con người. Nếu chúng ta có thể loại bỏ điều này, thường là bằng cách tiêm phòng, thì chúng ta có thể giảm thiểu toàn bộ tác động của những đột biến sẽ xảy ra".
T.Châu (SK&ĐS)