Từ đầu tháng 4-2023 số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận tăng trở lại, tính trong 7 ngày gần đây nhất (từ ngày 17-23/4) tổng số ca mắc COVID-19 mới trên cả nước đã tăng thêm 13.701 ca.
Đáng chú ý, sau gần 4 tháng không có ca tử vong, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19 tại Hà Nội và Nam Định.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai.
Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, tuy nhiên một số nhóm đối tượng vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm: nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai.
Cần tiêm đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19
Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng vi rút SARS-COV-2 trước đây, vì vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết nhằm gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ người dân không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới như hiện nay.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại TP.Long Khánh.
Ngoài ra, hiện nay các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc dẫn đến gây nguy cơ dịch chồng dịch.
Để chủ động phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, người dân cần tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19 bao gồm các mũi cơ bản và mũi nhắc lại, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao chuyển nặng và tử vong khi mắc bệnh.
Đồng thời, không nên chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như:
* Đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương trong thời gian tới.
* Các biện pháp về Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác, cụ thể:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19.
- Sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
- Ý thức người dân: chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu – độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
- Các biện pháp khác: theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
Khi xuất hiện một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác cần báo ngay cho Trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị theo quy định.
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai