Hiện nay số ca nhiễm COVID-19 đang giảm sâu và không có tử vong, điều này cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay công tác tiêm vắc xin mũi nhắc lần 1 (mũi 3), mũi nhắc lần 2 (mũi 4) tại Đồng Nai còn thấp và gặp rất nhiều khó khăn, do người dân có tâm lý không muốn tiêm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, nguy cơ xuất hiện các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn, vì vậy người dân nên tiếp tục tiêm vắc xin mũi nhắc giúp tăng cường kháng thể để chống lại các biến chủng mới.
Tăng cường kháng thể ngăn dịch COVID-19 bùng phát trở lại
Lo lắng kháng thể trong người sẽ giảm dần theo thời gian, cơ thể sẽ mất khả năng miễn dịch, có thể mắc COVID-19 tái đi tái lại và sẽ bị nguy cơ cao nếu xuất hiện biến chủng mới có độc lực cao, gây bệnh nặng và có thể tử vong. Sau khi tỉnh triển khai tiêm vắc mũi nhắc lần 2, gia đình ông Trịnh Văn Minh, 60 tuổi ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa đã đăng ký chích ngừa cho cả nhà để phòng bệnh.
Ông Minh cho biết, trong gia đình ông có 4 người thì có đến 3 người vừa chích mũi nhắc lần 2 xong, còn một thành viên nữa do mới nhiễm COVID-19 xong nên chưa tiêm. “Tôi chẳng lo sợ gì về các tác dụng phụ xảy ra như mọi người đồn thổi trên mạng xã hội, tôi chỉ nghe theo ngành y tế khuyến cáo, vì chỉ có tiêm vắc xin phòng COVID-19 mới giúp tôi có miễn dịch trong cơ thể để bảo vệ bản thân, gia đình tôi cũng như cộng đồng” – ông Minh nói.

Tiêm vắc xin COVID-19 tại Trung tâm Y tế TP Biên Hòa.
ThS.BS Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, người dân đừng chủ quan nghĩ rằng dịch COVID-19 sẽ chấm dứt, dịch sẽ tồn tại lâu dài và có khả năng chuyển thành đợt dịch theo mùa như các loại cúm mùa khác. Hiện nay, trên thế giới dịch chưa chấm dứt, vẫn còn ca bệnh chuyển nặng và tử vong, do đó người dân không nên chủ quan. Miễn dịch của mỗi người sẽ giảm dần theo thời gian, nếu không tiêm nhắc lại khi dịch tái phát sẽ rất nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Người dân hãy tin tưởng những gì các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên tin vào những lời đồn thổi gây ra các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin. Chúng ta phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu được tiêm ngừa đầy đủ thì dịch không có khả năng tái phát lại, điều quan trọng hơn là không phải chịu cảnh phong tỏa như trước đây và tử vong do COVID-19”- ThS.BS Tài nói.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích tiêm mũi nhắc lần 2
Theo báo cáo từ Sở Y tế Đồng Nai, tính đến ngày 13-6 tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lần 1, mũi nhắc lần 2 còn thấp. Cụ thể, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lần 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 67% và 1,13% mũi nhắc lần 2. Nguyên nhân tỷ lệ tiêm vắc xin thấp là do người dân không mặn mà khi tiêm vắc xin, vì sợ rằng sau khi tiêm sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ.
Theo ThS.BS Tài, tiêm vắc xin dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không bắt buộc, tuy nhiên nếu người dân chủ quan không tiêm vắc xin thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như người chưa tiêm. Còn đối với công nhân, người lao động không tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19, nếu dịch bệnh xảy ra, nhiều người lao động phải nghỉ việc sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng là tiêu chí để đánh giá an toàn sản xuất khi có dịch xảy ra.

Các điểm tiêm chủng tại các Trung tâm Y tế, trạm Y tế... trên địa bàn tỉnh luôn sẵn sàng cho người dân đến tiêm vắc xin COVID-19.
“Trách nhiệm của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe cho người dân, tuy nhiên để tăng cường miễn dịch cho người dân bảo vệ cơ thể khỏi những biến chủng mới của COVID-19 và ngăn dịch COVID-19 bùng phát trở lại một mình ngành y tế không thể làm được mà phải có sự chung tay của các sở ban ngành và cả hệ thống chính trị. Đó là phối hợp và Báo Đồng Nai, Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai, tận dụng mạng xã hội tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân biết được lợi ích khi tiêm vắc xin mũi nhắc lần 2, đồng thời phản bác lại những đồn thổi về tác dụng phụ xảy ra sau khi tiêm.
Các công ty, xí nghiệp cần tổ chức và vận động công nhân, người lao động tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19” – ThS.BS Tài cho hay.
Sao Mai