Bệnh cúm gia cầm lây sang người A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao (~50%), hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở các địa phương trên cả nước. Theo số liệu báo cáo dịch bệnh bằng Hệ thống báo cáo trực tuyến (VAHIS) của Cục Thú y, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/7/2022, cả nước đã xảy ra 25 ổ dịch cúm gia cầm tại 25 xã thuộc 22 huyện của 15 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 64.147 con gia cầm. Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom và xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, đã tiêu hủy 4.400 con vịt.
Ngày 17/10/2022 vừa qua, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định một bệnh nhi nữ 5 tuổi, trú tại xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ dương tính với cúm A/H5N1. Đây là ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5N1.
Đặc điểm của bệnh
Vi rút cúm A/H5N1 có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm mắc bệnh, bụi và đất. Chúng có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép...
Bệnh cúm gia cầm lây sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Triệu chứng lâm sàng của bệnh gồm: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh vẫn có khả năng lây truyền từ người sang người, tuy nhiên vì là vi rút của loài chim và gia cầm nên khả năng lây truyền từ người sang người là rất thấp. Người bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh.
Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên phạm vi rộng là rất cao, có nguy cơ lây nhiễm sang người, do: vi rút cúm gia cầm đang lưu hành diện rộng và gây ra các ổ dịch ở nhiều địa phương; nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao vào Đồng Nai thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, thông qua chim di cư; việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học của người chăn nuôi nông hộ còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển.
Ngày nào còn cúm gia cầm thì còn có nguy cơ lây lan sang người. Vì vậy người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế, không nên chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Cúm A/H5N1 diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao (~50%). Ảnh minh họa.
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
1. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ, đảm bảo ăn chín uống sôi.
4. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
BS.Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai)