Hiện nay do tâm lý đã được chích ngừa vắc xin COVID-19 nên nhiều người dân đang có tư tưởng chủ quan khi nghĩ nhiễm COVID-19 thường sẽ nhẹ, ít triệu chứng và có thể khỏi sau 1-2 tuần. Đặc biệt là với trẻ em càng nhanh khỏi bệnh, vì vậy các bậc phụ huynh cũng không còn quan tâm nhiều.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, thời điểm sau khi trẻ âm tính với COVID-19 hay còn gọi là hậu COVID -19, cũng chính là lúc trẻ rất cần được cha mẹ đặc biệt quan tâm. Lý do vì thời điểm này trẻ có thể xuất hiện những hội chứng hậu COVID-19 rất đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.
Trẻ có thể chuyển biến nguy kịch sau khi khỏi COVID-19
Khi nhiễm COVID-19 đa phần các trẻ thường không có các triệu chứng hoặc thể nhẹ, nhưng khoảng thời gian sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có thể gặp các triệu chứng được gọi là hội chứng hậu COVID-19 như: đau đầu, uể oải, mệt, đau cơ, tiêu chảy, đau khớp… thậm chí đi lại khó khăn.
Ngoài ra, trẻ còn gặp một số triệu chứng khác như hay quên, nhận thức bị ảnh hưởng, viết chữ xấu đi, hoạt động thể lực bị ảnh hưởng, ho kéo dài kèm đàm nhớt, hồi hộp, vã mồ hôi…
Những triệu chứng này không phải biểu hiện hết ở một người, mà tùy từng trường hợp trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Thậm chí có những trường hợp trẻ khi chuyển nặng phải lọc máu, điều trị lâu dài, phải dùng kháng sinh liều cao…
Bé L.T. (9 tuổi, trú tại H.Trảng Bom, Đồng Nai) nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Nai ngày 13-12 trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, tiêu chảy, nổi tử ban rải rác toàn thân, nhiễm trùng huyết, bị viêm đa hệ thống. Xét nghiệm RT-PCR COVID-19 âm tính nhưng nồng độ kháng thể cao (tương đương sức miễn dịch của người tiêm vắc xin hoặc F0 từng mắc bệnh, trong khi bé chưa tiêm vaccine), phù hợp với tiền sử gia đình nghi nhiễm COVID-19 cách đó gần một tháng nhưng không làm xét nghiệm xác định.
Tại bệnh viện, bé được thở máy, lọc máu liên tục và kết hợp nhiều biện pháp điều trị, sau gần 2 tuần bé mới dần hồi phục sức khoẻ.
Mẹ của bé T. cho biết do nhà không có điều kiện, bố mẹ phải đi làm mướn để mưu sinh nên không có thời gian quan tâm con nhiều, khi thấy cháu có các biểu hiện mệt mỏi nhập viện thì bệnh cháu đã nặng, rất may được các bác sĩ tận tình cứu chữa đến nay cháu đã khỏe hơn.
Tương tự bé T.N.K (6 tuổi, ở xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) nhập viện ngày 21-12 trong tình trạng bị viêm đa hệ thống với biểu hiện môi tái, khó thở, chi mát, mạch nhanh, huyết áp 80/50, SpO2 90% . Kết quả xét nghiệm COVID-19 của bé âm tính nhưng nồng độ kháng thể IgG rất cao, tiền sử gia đình của bé dương tính với COVID-19 khoảng 2 tuần trước đó. Qua thăm khám bé được chẩn đoán sốc tim, Mis - C (hậu COVID-19). Bé nhanh chóng được thở máy, truyền vận mạch, sử dụng kháng sinh để điều trị.
ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai cho biết, kinh phí điều trị các ca bệnh về hậu COVID-19 như trên đều rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng. Cụ thể như bé RaH L. T. kinh phí điều trị lên đến 120 triệu đồng, trong khi bé lại không có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình thuộc diện hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng thanh toán viện phí. Bệnh viện đã kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí viện phí cho bé.
Do vậy, ngay cả khi trẻ đã âm tính sau khi mắc COVID-19, phụ huynh không nên chủ quan, mà phải theo dõi, nắm được các triệu chứng của con để được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, nhằm có các biện pháp xử lý kịp thời tránh để lại những di chứng ảnh hưởng nặng cho các bé về sau.
Bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
BS.CKII Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng cho biết, hậu COVID-19 ở trẻ thường kéo dài từ 3-6 tháng và có thể dài hơn. Vì vậy gia đình cần quan tâm đến con của mình mặc dù các bé đã có kết quả âm tính COVID-19.
Trong thực tế phần lớn các trẻ khi nhiễm COVID-19 thường không có triệu chứng hoặc thể nhẹ. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 5% diễn biến nặng và nguy kịch là 1-2%. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, dinh dưỡng cho trẻ hậu COVID-19 cũng vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo cân bằng chế độ dinh dưỡng sau một thời gian dài trẻ mệt mỏi, không muốn ăn uống. Thông thường các bé sau khi khỏi bệnh thường ăn “trả bữa” vì có thể trong thời gian bệnh không muốn ăn cơ thể thiếu chất. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, bố mẹ cần cân bằng bữa ăn cho trẻ đảm bảo đầy đủ nhóm thực phẩm: tinh bột (gạo, ngũ cốc, khoai, củ); thực phẩm giàu đạm (các loại thịt động vật, thịt gia cầm, cá và thủy sản, đậu, đỗ các loại); thực phẩm giàu chất béo (mỡ động vật, bơ, dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu) và nhóm chất xơ, rau củ quả.
Người mắc bệnh COVID-19 thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế cần tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết. Việc lựa chọn nước uống để bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất xơ, các chất chống oxy hóa, các loại nước được chế biến rất đơn giản từ rau xanh, hoa quả và rất nhiều các loại khác tùy theo sở thích của mỗi người. Các loại nước sinh tố hoa quả ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết, như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má,…
Ngoài ra, bổ sung sữa để đảm bảo đầy đủ canxi cho trẻ, đặc biệt là với những trẻ đang độ tuổi phát triển cần hỗ trợ thêm canxi rất nhiều.
Thanh Tú