Ngày 6/2 tại Hà Nội, Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về Đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người.

Tính đến 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột.

“Những kết quả đăng ký hiến, ghép trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng và đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành Y tế Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta và việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép gan; hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác. Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm.

Trong khi đó, nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. “Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng, ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ.

Để tạo thuận lợi cho người có nhu cầu hiến tạng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng hình thức đăng ký trực tuyến, bên cạnh hình thức trực tiếp. Cùng với đó, để hạn chế tình trạng mua bán tạng, cần tiếp tục tăng cường truyền thông để người dân hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng, và việc mua bán tạng là phạm pháp; cần có cơ chế quản lý chặt chẽ công khai, minh bạch để người hiến và người có nhu cầu hạn chế giao tiếp trực tiếp.

Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép thận.

Chia sẻ về công tác phòng chống tội phạm, mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, đối tượng phạm tội ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Các đối tượng hoạt động theo băng, ổ nhóm, mỗi đối tượng có nhiệm vụ khác nhau như tiếp cận, làm quen với bên mua và bên bán…, nhằm che giấu mục đích thương mại dưới các lý do nhân đạo, phi lợi nhuận ẩn dưới kinh phí hỗ trợ thuốc men, điều trị tự phục hồi sức khỏe.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi, hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào các bệnh viện phẫu thuật ghép tạng.

Các đối tượng chủ yếu nhắm đến những bộ phận cơ thể người như: thận, gan, võng mạc… trong đó, thận là phổ biến nhất với thủ đoạn: Tập trung tại các bệnh viện trên địa bàn các thành phố lớn tiếp cận, làm quen với những người mắc bệnh thận, suy thận cần phải có thận để ghép…

"Nhiều đối tượng hoạt động phạm tội trước đây đã từng là nạn nhân của loại tội phạm này nên biết được nhu cầu và lợi nhuận cao nên đã câu kết, móc nối với các đối tượng khác hình thành đường dây hoạt động phạm tội", Thượng tá Đinh Văn Trình cho biết.

Trước tình trạng buôn bán tạng ở nước ta có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm liên quan đến mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong bộ Luật Hình sự; tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán bộ phận cơ thể người. Đồng thời chỉnh sửa các tiêu chuẩn về chết não cho phù hợp quy trình, đảm bảo tính khả thi…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất và cần sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong  đó bổ sung hình thức đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng, tích hợp trên Bằng lái xe hoặc căn cước công dân. Đồng thời đề xuất không giới hạn độ tuổi với người hiến chết não; riêng với nguồn hiến tạng từ người cho sống cần tăng độ tuổi người hiến sống không cùng huyết thống lên 30 tuổi thay vì 18 tuổi như quy định hiện nay…

TTXVN

Share with friends

Bài liên quan

Nghiêm cấm hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin lộ trình miễn viện phí cho người dân
Quy định về mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống
Luật BHYT sửa đổi năm 2024: Người dân được hưởng lợi gì?
Đại hội đại biểu Hội Đông y tỉnh Đồng Nai khóa 9 nhiệm kỳ 2025-2030
Ngành Y tế Đồng Nai có 30 tập thể và cá nhân được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Từ ngày 20/3/2025, đảng viên sinh con thứ ba không bị xử lý kỷ luật
Đảng bộ Sở Y tế tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 89 của Bộ chính trị và chuyên đề năm 2025
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Bệnh viện ĐK Thống Nhất tổ chức Hội thi Xanh – sạch – đẹp, khóm hoa mùa tết Việt Nam
Sở Y tế tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động năm 2025
Trao quà Tết cho đoàn viên công đoàn, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Năm 2024 có hơn 7,6 triệu lượt người khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế
Tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán
Chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động
Định hướng phát triển ngành Y tế Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2025
Người tham gia BHYT khám chữa bệnh ngoại trú được thanh toán 100% khi nào?
HĐND tỉnh thông qua chế độ, chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ
100% thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến
TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN