Bệnh viện Nhi Đồng Nai vừa kịp thời phẫu thuật thành công cho bé gái 4 tuổi N.M.T (ngụ tại P. Long Bình, TP. Biên Hoà) bị chấn thương sọ não nhưng không có biểu hiện đặc trưng.
Cụ thể, ngày 26-11-2023 vừa qua, bé gái N.M.T nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng tỉnh táo, có đau đầu. Theo lời khai của gia đình, sau khi té cầu thang, bé T tỉnh táo, không có biểu hiện gì nên gia đình chủ quan không đi khám. Qua ngày hôm sau, cháu than đau đầu, có nôn ói nhẹ nên người nhà đưa bé vào bệnh viện. Qua thăm khám, chụp CT scanner, phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng vùng trán tương đương quả cam chèn ép não trán. Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành mổ cấp cứu khoan cưa sọ vùng trán lấy máu tụ. Đến nay, sức khoẻ cháu T đã hồi phục và sẽ được xuất viện vào ngày mai.
.jpg)
Các bác sĩ đang tiến hành mổ cấp cứu cho bé N.M.T.
BS.CKI Nguyễn Văn Toàn – Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, BV Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trường hợp bé T là một trong những ca khám cấp cứu thần kinh khó, mang tính chất cạm bẫy dễ bị đánh lừa, bởi bé không có những biểu hiện đặc trưng của những ca chấn thương sọ não cấp cứu (như: đau đầu dữ dội, nôn ói, hôn mê, có giật, yếu liệt…). Nếu không nhờ vào hình ảnh học như: Xquang, siêu âm, CT scanner sẽ không chẩn đoán ra bệnh, dẫn đến bỏ sót, sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân cũng như để lại di chứng nặng nề. Trong khi đó, ở độ tuổi của cháu bé, nếu vội vàng chụp CT scanner cũng sẽ có những ảnh hưởng không tốt cho não, đồng thời, tốn kém chi phí của người nhà và không được bảo hiểm y tế chi trả nếu không có biểu hiện đặc trưng. Đây chính là những khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị những ca bệnh như thế này.

Phim X-quang não của bé N.M.T.
.JPG)
Bé N.M.T đã hồi phục sau ca mổ.
BS Toàn cũng khuyến cáo, trẻ con dưới 5 tuổi có nguy cơ chấn thương sọ não cao, do độ tuổi này, trẻ thường hiếu động thích khám phá xung quanh, thường xuyên chạy nhảy vui chơi nhưng chưa nhận thức đúng được mối nguy hiểm xung quanh. Do đó, nếu trường hợp trẻ bị té hoặc tai nạn có va đập phần đầu cần theo dõi kỹ, nếu có các biểu hiện sau, cần cho trẻ nhập viện để kịp thời chẩn đoán, điều trị.
Các dấu hiệu chấn thương sọ não ở trẻ em điển hình gồm:
Trẻ ngủ li bì, tinh thần đờ đẫn, khù khờ bất thường nhưng không phải do cảm sốt, mệt mỏi.
Trẻ mất khả năng đi đứng, giữ thăng bằng, có thể ngã khi đang đi hoặc phải dựa tay vào tường để di chuyển.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh khóc nhiều, gào khóc do đau đớn mà chấn thương sọ não gây ra.
Buồn nôn, nôn ói, nhất là sau khi bị chấn thương sọ não, triệu chứng này thường xuất hiện ở các trẻ bị chấn thương nặng.
Mất vị giác, thính giác nếu chấn thương thần kinh làm ảnh hưởng đến các khu vực thần kinh điều khiển.
Thiên Thanh