Hiện nay bệnh đậu mùa khỉ (ĐMK) đang bùng phát ở một số nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 22-10-2023, khu vực phía Nam ghi nhận 38 ca bệnh ĐMK, trong đó TP. Hồ Chí Minh 33 ca, Bình Dương 02 ca, Đồng Nai 01 ca, Lâm Đồng 01 ca và Long An 01 ca.
Dưới đây là một số thông tin về bệnh ĐMK:
Vì sao có tên là ĐMK?
Được gọi là “bệnh đậu mùa khỉ” vì bệnh này ban đầu được phát hiện ở khỉ và lây sang người. Bệnh ĐMK lần đầu gây bệnh trên khỉ vào năm 1958. Các trường hợp đầu tiên mắc ĐMK trên người được xác định vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, thuộc Châu Phi.
Đường lây truyền bệnh ĐMK
Bệnh ĐMK có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương trên da, máu, dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh; qua tiếp xúc đối diện: sự lây truyền qua giọt bắn đường hô hấp khi tiếp xúc kéo dài, trực diện (không mang khẩu trang) với người bệnh; qua tiếp xúc miệng với da: khi tiếp xúc thân mật, chẳng hạn như hôn, âu yếm hoặc quan hệ tình dục (đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam); qua tiếp xúc gián tiếp: qua các vật dụng của người bệnh bị nhiễm vi rút như ga giường, khăn tắm, quần áo,…; lây truyền từ mẹ sang con: lây qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi (có thể dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh) hoặc khi tiếp xúc gần trong và ngay sau khi sinh.

Một số hình ảnh tổn thương da và niêm mạc ở người bệnh đậu mùa khỉ.
Triệu chứng điển hình của bệnh ĐMK
Các triệu chứng điển hình của bệnh ĐMK là phát ban trên da hoặc tổn thương niêm mạc, có thể kéo dài 2–4 tuần kèm theo sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược và sưng hạch.
Bệnh được chia thành 3 thể:
Thể không triệu chứng: người nhiễm vi rút ĐMK không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
Thể nhẹ: các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
Biến chứng của bệnh ĐMK
Bệnh ĐMK có thể để lại một số biến chứng như sẹo giác mạc và giảm thị lực, sẹo mặt; nhiễm vi khuẩn thứ cấp; viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết; viêm não; sảy thai; mất nước (nôn mửa, tiêu chảy, giảm lượng đường uống do tổn thương miệng gây đau đớn) và có thể tử vong.
Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh ĐMK
Bất kỳ người nào sống cùng hoặc tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người bị mắc bệnh ĐMK, hoặc người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh ĐMK.
Nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm.
Bệnh ĐMK có vắc xin phòng ngừa chưa?
Bệnh ĐMK đã có vắc xin phòng ngừa. Tuy nhiên hiện tại vắc xin không được khuyến cáo tiêm phòng cho mọi đối tượng mà chỉ tiêm cho đối tượng nguy cơ cao.
Các biện pháp phòng bệnh ĐMK
Tránh tiếp xúc trực tiếp da hoặc tiếp xúc đối diện và miệng với da với người/ động vật có thể bị bệnh ĐMK.
Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, bề mặt, ga giường, khăn tắm và quần áo.
Đeo khẩu trang nếu bạn không thể tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng và khi chạm vào ga giường, khăn và quần áo của người bệnh.
Sử dụng bao cao su có thể không ngăn ngừa được lây truyền bệnh đậu mùa khỉ khi quan hệ tình dục nhưng có thể ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Nhân viên y tế cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh ĐMK.
Cần làm gì khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh ĐMK?
Nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh ĐMK cần tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người xung quanh, đeo khẩu trang, tránh động chạm cơ thể nếu phải tiếp xúc gần với người khác và báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cách ly, điều trị.
Bất kỳ ai đều có thể mắc hoặc lây truyền bệnh đậu mùa khỉ. Tuyệt đối không bao giờ kỳ thị người khác vì một căn bệnh!
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai