Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một bệnh rối loạn chuyển hoá của cơ thể khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai. Nếu không được kiểm soát tốt, ĐTĐTK sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Bình thường, khi chúng ta ăn, tuyến tụy sẽ giải phóng ra insulin – một loại hormone giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng, đồng thời có vai trò kiểm soát lượng đường trong máu. Ở phụ nữ mang thai việc sản xuất hormone (như estrogen, progesterone,…) có xu hướng tăng, phần lớn các hormone này góp phần kháng insulin. Nửa đầu thai kỳ, lượng insulin tiết ra tương đối ổn định nên ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. ĐTĐTK thường xuất hiện vào khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ, khi mà rau thai sản xuất một lượng đủ các hormone gây kháng insulin, khiến nồng độ đường trong máu tăng. 

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc ĐTĐTK

Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra có sự liên quan giữa các yếu tố nguy cơ ở thai phụ với ĐTĐTK. Những thai phụ có nguy cơ cao mắc ĐTĐTK bao gồm: 

Người thừa cân, béo phì: Tình trạng kháng insulin và tăng tiết insulin ở người béo phì gây rối loạn chuyển hóa đường máu.

Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường thế hệ thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột) là một trong những yếu tố nguy cơ cao của ĐTĐTK, chiếm 50 - 60% so với nhóm tiền sử gia đình không có người đái tháo đường.

Tiền sử sinh con to ≥ 4000 gam: Cân nặng trẻ sơ sinh to ≥ 4000 gam vừa là hậu quả của ĐTĐTK, vừa là yếu tố nguy cơ cho mẹ ở những lần mang thai sau.

Tiền sử bất thường về dung nạp glucose: Đa số người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose thì khi có thai đều bị ĐTĐTK. 

Thai phụ đang tiến hành thực hiện tầm soát ĐTĐTK tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.

Glucose niệu dương tính: Cũng là yếu tố nguy cơ cao đối với ĐTĐTK. Tuy nhiên, có khoảng 10 - 15% thai phụ có glucose niệu dương tính mà không phải do mắc ĐTĐTK.

Tuổi mang thai: Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), thai phụ có tuổi nhỏ hơn 25 được coi là ít nguy cơ ĐTĐTK, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai thì nguy cơ ĐTĐTK tăng cao hơn.

Tiền sử sản khoa bất thường: Như thai chết lưu không rõ nguyên nhân, con bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sinh non.

Chủng tộc: Là một yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến ĐTĐTK, có ảnh hưởng trực tiếp đến tần suất mắc ĐTĐ tuýp 2 trong dân số. Ở Châu Á, trong đó có Việt Nam có tỷ lệ ĐTĐTK cao. 

Hội chứng buồng trứng đa nang.

ĐTĐTK gây nhiều biến chứng nguy hiểm 

ĐTĐTK nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con như tiền sản giật, sẩy thai, thai chết lưu, tử vong chu sinh, thai to làm tăng nguy cơ đẻ khó,... Trẻ sơ sinh do những bà mẹ mắc ĐTĐTK sinh ra có nguy cơ bị hạ đường máu, hạ canxi máu, vàng da, khi trẻ lớn lên có nguy cơ bị béo phì, đái tháo đường tuýp 2.  

Về lâu dài, phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch nhỏ ảnh hưởng đến tim, thận, mắt. Theo thống kê có khoảng 30-50% phụ nữ mắc ĐTĐTK sẽ tái phát mắc ĐTĐTK ở lần mang thai tiếp theo, trong đó từ 20-50% bà mẹ mắc ĐTĐTK sẽ chuyển thành đái tháo đường tuýp 2 trong vòng 5-10 năm sau khi sinh. 

Biện pháp phòng chống ĐTĐTK

Để phòng chống đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ có thai đặc biệt các thai phụ có nguy cơ cao cần điều chỉnh lối sống để phòng chống bệnh ĐTĐTK.

Đầu tiên, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh. Đây là nền tảng để dự phòng ĐTĐTK. Chế độ dinh dưỡng hợp lý vừa giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, vừa giúp kiểm soát tăng cân hợp lý trong thai kỳ, hạn chế nguy cơ ĐTĐTK. Thai phụ nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, ít chất béo, giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, thịt nạc, sữa chua, rau, củ, quả,… Hạn chế tối đa các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: bánh, kẹo, kem, chè, trái cây sấy,... Nên ăn nhiều bữa trong ngày và ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp, nên sử dụng dưới 5g muối/ngày và nên sử dụng muối iốt. Hạn chế uống rượu, bia, nước ngọt.

Thứ hai, cần kiểm soát sự tăng cân trong thai kỳ. Từ tháng thứ 3 trở đi, thai phụ có chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index) ≤ 22,9 nên tăng trung bình 0,5 kg/tuần, BMI ≥ 23 chỉ nên tăng thêm khoảng 0,25 kg/tuần. Ngoài ra, để giảm nguy cơ ĐTĐTK, phụ nữ bị thừa cân, béo phì cần giảm cân trước khi mang thai.

Thứ 3, cần hoạt động thể lực vừa phải. Thai phụ nói chung và thai phụ có yếu tố nguy cơ nói riêng cần duy trì hoạt động hàng ngày để giúp kiểm soát cân nặng, giảm khối mỡ, tăng khối cơ vân, kiểm soát đường huyết, huyết áp, mỡ máu và thể lực, sức khỏe. Duy trì các công việc nhẹ ở nhà, cơ quan, đi bộ đều đặn mỗi ngày 20 - 30 phút là hoạt động cần thực hiện ở thai phụ. Nên tránh các bài tập có sự va chạm, xoắn vặn, thay đổi tư thế đột ngột. Không nên tập khi có phù nhiều, huyết áp không kiểm soát được, đường máu quá cao hoặc quá thấp.

Cuối cùng, cần tầm soát để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ĐTĐTK, tránh các biến chứng nguy hiểm. Những trường hợp có nguy cơ nên sàng lọc ở lần khám thai đầu tiên, trường hợp khác sàng lọc ở tuổi thai 24 - 28 tuần. Thời điểm này được xem là thời điểm tốt nhất để chẩn đoán ĐTĐTK.

Toàn thế giới cần quan tâm và chung tay phòng, chống đái tháo đường thai kỳ cho phụ nữ vì một sức khỏe và tương lai hạnh phúc!

BS.Hồ Thị Hồng

Share with friends

Bài liên quan

Giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng bệnh tăng huyết áp
Bệnh máu khó đông và cách phòng tránh
Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi
Bệnh không lây nhiễm: Hồi chuông cảnh báo và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa
[Toạ đàm] Làm thế nào để thận không bị sỏi?
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh suy thận
Ngày Thế giới Phòng chống Ung thư 4/2: Phương pháp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư
Không chủ quan với bệnh rối loạn mỡ máu
Người bệnh mạn tính: Vui tết không quên dùng thuốc
Các yếu tố nguy cơ chính và biện pháp phòng ung thư gan
Ung thư đại tràng – phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi cao
8 cách giúp phòng xơ vữa động mạch, ngăn ngừa đột quỵ
Bệnh mạch vành gây biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao
[Tọa đàm] Cần làm gì để thận luôn khoẻ mạnh?
Không chủ quan với thủng loét dạ dày, tá tràng ở trẻ
[Tọa đàm] Bệnh đột quỵ và những dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý
Bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim trước vài ngày
Ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11: [Toạ đàm] Ăn uống hợp lý để kiểm soát bệnh tiểu đường
Ngoài cơn đau thắt ngực, 4 dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp ai cũng nên biết

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN