Ung thư cổ tử cung (CTC) là một trong những loại ung thư phụ khoa thường gặp nhất. Phần lớn người bệnh ung thư CTC giai đoạn sớm không biểu hiện triệu chứng cho đến khi ung thư đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Việc điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối là rất khó khăn. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư CTC giai đoạn 4 sống đến 5 năm chỉ dưới 16%. 

Tinh thần sống lạc quan, tích cực và chế độ dinh dưỡng lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp người bệnh vượt qua được đau đớn của bệnh tật trong quá trình điều trị. 

Bệnh ở giai đoạn muộn mới xuất hiện triệu chứng  

Mới đây, Khoa Ung bướu Bệnh viện ĐK Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân N.T. L. (65 tuổi, ngụ tại P.Trung Dũng, TP. Biên Hoà) nhập viện với các triệu chứng: phù 2 chi dưới, mệt mỏi, ăn uống không được, đau nhiều, nước tiểu không ra được làm suy giảm chức năng thận...

Theo người nhà bệnh nhân, cách đây 5 tháng, bà L. thấy đau bụng vùng dưới và xuất huyết nên đi khám bệnh. Sau khi làm các xét nghiệm, bà được xác định bị ung thư CTC. Tuy nhiên, do sợ đau, bà L. đã từ chối điều trị đặc hiệu. Về nhà, bà sử dụng thực phẩm chức năng với hy vọng bệnh sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, càng ngày cơ thể bà càng trở nên suy kiệt, không ăn uống được và đau đớn nhiều hơn. Cho đến khi không chịu đựng nổi cơn đau, bà mới được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị.

BS CKI Văn Thị Hà Ni, Khoa Ung bướu Bệnh viện ĐK Đồng Nai, cho biết: “Bệnh nhân phát hiện bị ung thư CTC ở giai đoạn tương đối trễ. Bệnh tuy chưa di căn xa nhưng đã xâm lấn hết cả vùng chậu, chèn ép niệu quản làm tổn thương thận của bệnh nhân. Do đó, việc điều trị cho bệnh nhân tương đối khó khăn. Trường hợp này không thể điều trị đặc hiệu để khỏi bệnh được nữa mà chỉ điều trị để làm giảm triệu chứng”.

Theo đó, để giải quyết việc chèn ép niệu quản làm ứ nước ở thận, bác sĩ đã mở niệu quản cho nước tiểu đi ra phía ngoài. Vì bệnh nhân đau đớn nhiều nên bác sĩ phải sử dụng phối hợp 3 loại thuốc giảm đau mới đỡ được triệu chứng đau. “Bệnh nhân được điều trị giảm đau và theo dõi chức năng thận.

Nếu chức năng của thận ổn hơn và sức khỏe của bệnh nhân có cải thiện hơn thì sẽ chuyển để hóa xạ trị tạm cho bệnh nhân. Trường hợp này hóa xạ trị tương đối kém hiệu quả vì thận bệnh nhân đã yếu, chức năng thận đã suy giảm, sức khỏe bệnh nhân cũng kém” - BS Ni cho biết thêm.  

BS.CKI Văn Thị Hà Ni, Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang thăm khám cho bệnh nhân L.

Do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bà L. hầu như không còn cơ hội để chữa khỏi bệnh mà chỉ điều trị nâng đỡ nhằm tăng chất lượng sống cho người bệnh. Trong trường hợp này, bên cạnh điều trị nhằm giúp người bệnh giảm các triệu chứng đau thì vấn đề chăm lo dinh dưỡng cũng rất quan trọng.

Cùng với đó, người bệnh cần được động viên tinh thần để có tâm trạng thoải mái. “Thường khi phát hiện ung thư giai đoạn cuối, bệnh nhân có triệu chứng đau nhiều, ăn uống không được… Bệnh nhân thường rất dễ chán nản, suy sụp tinh thần. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ phải giải thích rõ về tình trạng của người bệnh cho người nhà bệnh nhân hiểu, hướng dẫn họ cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng và động viên tinh thần cho bệnh nhân” - BS Ni chia sẻ.

Tầm soát để được điều trị kịp thời  

Ung thư CTC thường không có triệu chứng, đến khi có triệu chứng bệnh đã ở giai đoạn trễ. Bệnh ung thư CTC thường xuất phát từ các tổn thương tiền ung thư, tiến triển âm thầm qua nhiều giai đoạn, kéo dài từ 10-15 năm. Các nghiên cứu cho thấy, nếu được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm, bệnh nhân mắc ung thư CTC có tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới trên 90%. Tuy nhiên, nếu phát hiện càng muộn tỷ lệ này càng giảm xuống. Nếu bệnh ở giai đoạn 4 thì khả năng sống đến 5 năm ít hơn 16%.  

Tùy vào giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, bệnh ung thư CTC đang được điều trị theo các phương pháp hiện đại và hiệu quả như phẫu thuật triệt căn, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật.

Mặc dù đã có nhiều biện pháp để phát hiện sớm ung thư CTC và có các phương pháp điều trị triệt để căn bệnh này nhưng nhiều người vẫn chủ quan, không tầm soát cũng như có biện pháp dự phòng từ sớm. Đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, chi phí khá cao, gây sức ép không nhỏ đến kinh tế gia đình. 

BS Ni cho biết: “Hiện nay, nhiều phụ nữ đã quan tâm đến việc tầm soát ung thư CTC. Nhờ tầm soát sớm, nhiều trường hợp ung thư đã được phát hiện kịp thời và được điều trị khỏi. Tuy nhiên, những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tầm soát nên khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn”.

Một số triệu chứng của ung thư CTC: đau khi quan hệ tình dục; xuất huyết âm đạo bất thường như ra máu sau quan hệ, ra máu giữa chu kỳ kinh hoặc ra máu âm đạo sau mãn kinh; âm đạo tiết dịch bất thường như dịch đục hôi, dịch nhầy máu hoặc tiết dịch kéo dài. Ung thư lan đến các cơ quan khác có thể gây ra: đau vùng chậu, rối loạn đi tiêu tiểu, phù chân, suy thận, đau xương, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn…   

 Bệnh ung thư CTC thường do virus HPV gây nên. Hiện nay, độ tuổi mắc ung thư CTC đang có xu hướng trẻ hóa do có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến hoạt động tình dục khiến người phụ nữ dễ bị nhiễm HPV sớm và kéo dài. Ngoài tầm soát ung thư CTC, bác sĩ cũng khuyến cáo tiêm vắc xin phòng ngừa HPV cho nữ giới trong và trước độ tuổi sinh sản từ 9 - 26 tuổi. Thời điểm này vắc xin HPV sẽ đạt hiệu quả miễn dịch tốt nhất và duy trì nhiều năm về sau. 

Hoàn Lê

Share with friends

Bài liên quan

Lợi ích của “da kề da” mẹ với con ngay sau sinh
[Infographic] Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ mùa nắng nóng
Hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
Ăn uống khoa học phòng bệnh đái tháo đường
Đảm bảo công tác tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ
Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao
Nhiễm trùng đường ruột: nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa
Nguyên nhân và cách phòng ngừa ngủ ngáy
Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường
Chữa rụng tóc bằng Y học cổ truyền
Những lưu ý khi dùng vitamin E ai cũng cần biết
Thời tiết nắng nóng, bệnh hô hấp gia tăng
Lưu ý cho bệnh nhân sau khi mổ tim
Ăn rau quả như thế nào cho đúng cách?
Nguyên nhân và cách khắc phục tắc tia sữa sau sinh
7 thực phẩm nên ưu tiên để thải độc gan sau Tết
Ảnh hưởng bất lợi của rượu bia đối với sức khỏe
Hạn chế uống rượu, bia để vui Tết an toàn
Cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ khi dùng khí dung cho trẻ
Không chủ quan với dị tật bàn chân bẹt ở trẻ

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN