Trung tâm Tài nguyên dược liệu – Viện Dược liệu vừa phối hợp với Sở Y tế Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng 2035.
Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Thị Thanh Huyền – Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu – Viện Dược liệu, chủ nhiệm đề tài “Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng 2035” cho biết, Đồng Nai có 905 loài cây thuốc, trong đó có 23 loài nằm trong danh lục đỏ IUCN 2010 và Sách đỏ Việt Nam-2007. Tuy nhiên tình hình nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, có 55 nhóm loài cây thuốc được trồng phổ biến với tổng diện tích khoảng 64 ha; Về tình hình khai thác dược liệu, có 102 loài/nhóm loài có khả năng và đang được khai thác trên địa bàn tỉnh (95 tấn/năm), 28 loài khai thác trên 1 tấn/năm, 87 loài đang được khai thác phổ biến. Số lượng khai thác tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Xuân Lộc.

BS.CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh đến năm 2025 và định hướng 2035, tập trung vào các nhóm giải pháp về Khoa học và công nghệ; tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp huy động vốn đầu tư.
Ngoài ra các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố cần phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong việc bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa tỉnh.
BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, Đồng Nai vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền, đặc biệt là thanh toán bảo hiểm y tế về y học cổ truyền; nếu như việc thanh toán BHYT cho thuốc y học cổ truyền không được mạnh tay như thuốc tây y sẽ rất khó khăn trong điều trị như hiện nay. Khi nguồn tiêu thụ thuốc y học cổ truyền không cao sẽ không tạo được động lực cho các nhà đầu tư nuôi trồng, sản xuất dược liệu. Hi vọng với đề tài nghiên cứu “Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng 2035” sẽ góp phần thay đổi trong thời gian tới, giúp Đồng Nai phát triển được nguồn nguyên liệu y học cổ truyền, cũng như phát triển mạnh hơn công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền.
Gia Nhi