Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế (TYT) lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng. Tại Đồng Nai, đến thời điểm này đã có 196 Trạm Y tế lưu động triển khai tại 11/11 huyện, thành phố. Trong đó, 171 TYT lưu động tại các xã, phường, thị trấn và 25 TYT lưu động tại các khu công nghiệp.
Việc TYT lưu động đi vào hoạt động đã hỗ rất trợ kịp thời cho các F0 cách ly điều trị tại nhà, đồng thời góp phần giảm tải rất nhiều cho các cơ sở cách ly tập trung.
Hỗ trợ tích cực cho F0 tại nhà
TP Biên Hòa là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm cách ly người nhiễm F0 không triệu chứng tại nhà. Sau hơn 1 tháng hoạt động, TYT lưu động đã thể hiện hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ bệnh nhân thông qua việc hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, cấp phát thuốc, sơ cứu chuyển viện các trường hợp F0 chuyển nặng.
Chị N.T.L (25 tuổi, ngụ ở P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, chị nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 10-10, đến ngày 14-10 chị được quyết định cho cách ly tại nhà. Sau 2 tuần điều trị, chị có kết quả xét nghiệm âm tính. “Được ở nhà, tôi cảm thấy thoải mái hơn về mặt tư tưởng, không áp lực nên mau khỏe, bên cạnh đó được sự hỗ trợ kịp thời của nhân viên y tế TYT lưu động, hỏi thăm thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ nên không còn lo lắng. Hàng ngày, tôi gửi kết quả SP02, nhiệt độ, triệu chứng vào nhóm Zalo quản lý F0 tại nhà của TYT”- chị N.T.L nói.
YS.Nguyễn Hữu Hậu, phụ trách TYT phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho hay: Trạm có 8 nhân viên vừa làm công tác truy vết lấy mẫu, kiêm luôn tiêm vắc xin. Khi triển khai TYT lưu động, Trạm được Phòng khám Đa khoa Tâm An hỗ trợ một bác sĩ phụ trách việc khám bệnh hàng ngày cho các F0, và một số tình nguyện viên của phường như dân quân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… Trụ sở của TYT lưu động đặt tại Trung tâm học tập công đồng của phường.

Một gia đình có người nhiễm COVID-19 ở Phường Thống Nhất thực hiện cách ly tại nhà.
Những F0 điều trị tại nhà được ngành y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giám sát, hỗ trợ. Bên ngoài cửa có treo bảng thông báo "địa điểm cách ly y tế" tại nhà, cung cấp cho bệnh nhân và người chăm sóc số điện thoại thường trực 24/24 giờ để tư vấn hoặc nhận yêu cầu hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp.
Bà L.T.N (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, nhà bà có con gái là F0 sau 10 ngày cách ly điều trị thì có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng không may mắn cho bà, sau khi con gái hết bệnh, thì chồng bà lại test nhanh dương tính. Nhờ được nhân viên trạm y tế hướng dẫn chu đáo việc thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, nên gia đình bà yên tâm hơn và tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
BS Đậu Ngọc Trung – Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh TTYT TP.Biên Hòa cho biết: “Khi có chủ trương thành lập các TYT lưu động và lấy TP. Biên Hòa làm thí điểm cho toàn tỉnh, TTYT Biên Hòa đã tổ chức tập huấn chuyên môn điều trị cho nhân viên y tế tại 30 phường, xã trong việc thực hiện hỗ trợ điều trị. Bên cạnh lực lượng là nhân viên y tế của trạm còn có nhân viên của các cơ sở y tế tại các phòng khám ngoài công lập. Khi có ca F0, đội điều tra truy vết sẽ xác định F0, F1 để khoanh vùng và đánh giá điều kiện cách ly tại nhà. Những ai được cách ly tại nhà sẽ được giao lại cho TYT lưu động quản lý. Tất cả các gói về thuốc, đồ bảo hộ, khẩu trang, túi rác… cho F0 đều được Nhà nước cấp. TYT lưu động thực hiện theo dõi bệnh nhân qua hệ thống camera được lắp trước cổng nhà”.
Vẫn còn nhiều khó khăn
BS.Hà Hoàng Cường - Phụ trách TYT phường Hố Nai cho biết, Hố Nai là một trong những phường có số ca F0 tại nhà cao của TP Biên Hòa. Do vậy, công việc của nhân viên TYT rất bận rộn, vất vả. Vừa làm công việc của TYT, kiêm luôn nhiệm vụ của TYT lưu động. Hầu như thời gian nghỉ ngơi của nhân viên y tế rất ít.
“TYT lưu động của phường đã có đủ lực lượng và máy móc để hỗ trợ F0 tại nhà. Chúng tôi sẽ linh động lực lượng để đảm bảo có bác sĩ trực 24/24h. Trạm vẫn mong muốn có thêm hai nhân viên y tế nữa, để phòng dịch trở lại thì vẫn ứng phó kịp”- BS Cường nói.
Theo BS Hoàng Trọng Đại, Trưởng trạm y tế P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), từ ngày 18-10 đến nay, toàn phường có hơn 500 F0 cách ly tại nhà. Trong đó, 217 trường hợp đã hoàn thành cách ly, còn khoảng 300 trường hợp đang tiếp tục được cách ly theo dõi tại nhà. Do khối lượng công việc nhiều mà trạm y tế chỉ có 6 người gồm: 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 dược sĩ, 1 điều dưỡng, 1 cán bộ dân số nên phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, áp lực rất lớn.
Theo quyết định củng cố nhân sự tham gia TYT lưu động P.Tân Phong của UBND TP.Biên Hòa, TYT động của phường gồm có BS Hoàng Trọng Đại phụ trách chung; các thành viên là các nhân viên y tế hiện có của TYT cố định và các thành viên thuộc các hội, đoàn thể, công an, dân quân, trưởng các khu phố… trên địa bàn phường. Riêng về hoạt động chuyên môn, TYT lưu động P.Tân Phong không được tăng cường thêm bác sĩ, điều dưỡng nào từ bên ngoài. “Nhiều tháng qua, chúng tôi phải thực hiện “3 tại chỗ” để chống dịch, không có thời gian nghỉ ngơi khiến sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng. Mục đích của TYT lưu động rất tốt, song cần phải có kế hoạch dài hơi, trong đó phải bổ sung nhân lực cho trạm để anh em có thể thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ. Một phường có đến 60 ngàn dân, trạm y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ phòng, chống dịch COVID-19 đến các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng… mà chỉ có 1 bác sĩ và 5 nhân viên y tế là không đủ” - BS Đại đề xuất.

Nhân viên trạm Y tế phường Hố Nai lập bệnh án điện tử cho người thực hiện cách ly.
Hiện nay, trung bình mỗi TYT tại các phường, xã có khoảng từ 10-15 nhân viên y tế. Số nhân viên này thực hiện hầu hết các chương trình chăm sóc sức khỏe như tiêm chủng mở rộng, quản lý các chương trình sức khỏe Y tế, dân số, truy vết, xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người dân. Khi số ca F0 ngày càng cao, việc thực hiện cách ly tại nhà sẽ khó khăn cho nhân viên y tế trong việc thăm khám kịp thời cho người dân ở những địa phương dàn trải. Vì vậy cần sự tham gia hỗ trợ của lực lượng y tế tư nhân, các tình nguyện viên trong thời gian dài.
BS.CKII Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, việc thực hiện cách ly F0 tại nhà cần được mở rộng để giảm gánh nặng cho ngành Y tế. Còn vấn đề nhân lực cho TYT lưu động sẽ do Trung tâm Y tế huy động và được chi trả theo quy định của Bộ Y tế.
Tại buổi làm việc với TP.Biên Hòa trong việc tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai điều trị F0 tại nhà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho hay, số ca nhiễm trong cộng đồng đang có dấu hiệu tăng, người dân không nên lơ là, mất cảnh giác và có ý thức bảo vệ cho gia đình. Người dân cần quét mã QR để công tác truy vết, phòng dịch dễ dàng hơn khi phát hiện ca nhiễm. Đối với những vướng mắc về chế độ cho nhân viên y tế ở xã, phường cần phải điều chỉnh tháo gỡ để họ không cảm thấy bị thiệt thòi. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tuyến cơ sở.
Mai Liên – Thanh Tú