Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đầu mối thực hiện được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 có mục tiêu cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Đến nay, đã có 11 loại vắc xin (phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) được đưa vào Chương trình TCMR, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại CDC Đồng Nai.
Các vắc xin Việt Nam sử dụng hiện nay đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin. Vì vậy, các vắc xin trong Chương trình TCMR là an toàn và hiệu quả. Lịch tiêm của 11 loại vắc xin trong Chương trình TCMR như sau:
1. Vắc xin phòng bệnh lao: cần được tiêm càng sớm càng tốt, tiêm 1 lần cho trẻ trong vòng 1 tháng sau khi sinh.
2. Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh: tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh.
3. Vắc xin 5 trong 1: phòng được 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắc xin này được tiêm 3 mũi khi trẻ đủ 2,3,4 tháng tuổi.
4. Vắc xin phòng bại liệt uống (bOPV, phòng type 1 và type 3): gồm 3 liều uống vào lúc trẻ 2,3,4 tháng tuổi.
5. Vắc xin phòng bại liệt tiêm (IPV phòng type 2): từ tháng 8/2018 trẻ 5 tháng tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt và gần đây nhất ngày 28/09/2022 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có công văn số 2194/VSDTTƯ-TCQG đề nghị các địa phương trên toàn quốc triển khai vắc xin bại liệt IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi. Vậy từ tháng 10/2022, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 2 mũi IPV vào lúc trẻ 5 tháng và 9 tháng tuổi.
6. Vắc xin phòng bệnh sởi gồm có 2 mũi tiêm: Mũi thứ 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
7. Hiện nay đã có vắc xin phối hợp sởi – rubella được tiêm thay thế cho vắc xin sởi đơn khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
8. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà: được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng.
9. Vắc xin viêm não Nhật Bản: trẻ cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản (Mũi thứ 1 khi trẻ được 1 tuổi; mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 2 tuần và mũi thứ 3 cách mũi thứ hai 1 năm).
10. Vắc xin phòng bệnh tả: Tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi từ 2-5 tuổi tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch.
11. Vắc xin thương hàn: Tiêm cho trẻ từ 3-10 tuổi, tại các vùng có nguy cơ dịch bùng phát.
Sau tiêm trẻ cần ở lại điểm tiêm chủng theo dõi ít nhất 30 phút, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥ 390C), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
Tiêm chủng là biện pháp an toàn, hiệu quả nhất để phòng bệnh cho trẻ, các vắc xin trong Chương trình TCMR lại hoàn toàn miễn phí, chính vì thế các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai