Vi rút Corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2, viết tắt SARS-CoV-2 (Severe acute respiratory syndrome coronavirus 2), xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và bắt đầu lây lan nhanh chóng sau đó, trở thành một đại dịch toàn cầu.
Một số đặc điểm của SARS-CoV-2
Nguồn gốc của vi rút này đến nay đang là một ẩn số. Phân tích toàn bộ bộ gen cho thấy SARS-CoV-2 là một Betacoronavirus, điều này cho thấy nguồn gốc của vi rútlà ở tê tê hoặc dơi. Có khả năng dơi là nguồn vật chủ chính, nhưng liệu SARS-CoV-2 có được truyền trực tiếp từ dơi hay thông qua một số cơ chế khác (ví dụ, thông qua vật chủ trung gian) vẫn còn đang được tìm hiểu. Động vật được bán để làm thức ăn bị nghi ngờ là nơi chứa hoặc trung gian cho vi rútvì nhiều người nhiễm bệnh đầu tiên được xác định là công nhân tại Chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến vi rút này lây lan nhanh và trở thành đại dịch trên thế giới.
* Dễ dàng lây truyền từ người sang người
Sự lây truyền vi rút SARS-CoV-2 từ người sang người đã được xác nhận. Mọi người có thể bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 từ những người mắc bệnh. Vi rút lây từ người sang người bằng hai con đường: trực tiếp hoặc gián tiếp qua những giọt bắn nhỏ từ mũi hoặc miệng khi người mắc COVID-19 ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Trực tiếp nếu hít vào những giọt bắn này từ người mắc Covid-19 trong phạm vi gần khoảng 3 foot (0,91 m) đến 6 foot (1,8 m). Hoặc gián tiếp khi những giọt bắn này rơi xuống các đồ vật và bề mặt xung quanh, những người khác sẽ tiếp xúc với vi rút khi chạm vào những đồ vật và bề mặt này, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của họ.
Hình ảnh vi rút SARS-CoV-2.
Đặc biệt, sự lây truyền vi rút SARS-CoV-2 từ người mắc bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng sang cho những người khác đang là mối nguy hiểm tiềm tàng. Khi gần đây nhiều thống kê cho thấy có tồn tại tỷ lệ các ca nhiễm bệnh không triệu chứng trên toàn cầu. Về lý thuyết, người mang vi rút trong cơ thể có thể lây cho người khác, tùy theo triệu chứng mà khả năng lây ít hay nhiều. Chẳng hạn khi người mang vi rút trong mũi họng mà ho, hắt hơi nhiều, thì nguy cơ phát tán vi rút cao. Nếu họ không ho, hắt hơi thì sẽ phát tán ít hơn. Người mắc bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng có thể bị bỏ sót và không được xét nghiệm, không được tính vào nhóm người mắc bệnh nhưng vẫn có thể lây lan vi rút SARS-CoV-2. Dù nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng bởi những ca bệnh này khá thấp nhưng chúng ta vẫn nên đề cao cảnh giác. Nếu có thể cần xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ không kể có triệu chứng hay không có triệu chứng.
* Có thể tồn tại ngoài cơ thể người
Chưa có nghiên cứu chính xác vi rút SARS-CoV-2tồn tại trên bề mặt bao lâu, nhưng dường như nó hoạt động giống như các vi rútCorona khác. Các nghiên cứu cho thấy các vi rút Corona (bao gồm vi rút SARS-CoV-2) có thể tồn tại trên bề mặt trong vài giờ hoặc đến vài ngày. Điều này có thể thay đổi trong các điều kiện khác nhau (ví dụ như loại bề mặt, nhiệt độ hoặc độ ẩm của môi trường). Do đó, nếu bạn nghĩ rằng một bề mặt có thể bị nhiễm vi rút, hãy làm sạch nó bằng chất khử trùng đơn giản để diệt vi rút nhằm bảo vệ chính bạn và những người khác.
* Chưa có vắc-xin phòng vi rút SARS-CoV-2
Đây cũng là một nguyên nhân khiến vi rút này có thể gây bệnh cho bất kỳ ai tiếp xúc với nó. Cho đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc kháng vi-rút cụ thể để ngăn ngừa hay điều trị Covid-19. Những người bị mắc bệnh hiện nay đang được chăm sóc hỗ trợ, điều trị để giảm triệu chứng. Vắc-xin và một số thuốc điều trị đặc hiệu vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Các nhà khoa học đang thử nghiệm thông qua các thử nghiệm lâm sàng.
Ngoài ra, các nhà khoa học Đức và Anh cho rằng vi rút SARS-CoV-2 có khả năng nhân số lượng nhanh chóng trong cổ họng của con người, khiến nó dễ lây lan hơn SARS - một chủng vi rút Corona khác.
Chính vì thế, cho đến khi nguồn gốc của virus này được xác định và kiểm soát mỗi người cần chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh.
* Để phòng chống lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2
Thường xuyên thực hiện tốt thông điệp 5 điểm theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
BS. Hồ Thị Hồng