Bệnh hemophilia hay còn gọi là bệnh máu khó đông. Hiện chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh này. Do vậy người mắc bệnh Hemophilia cần chú ý tránh tình trạng chảy máu, vì khi chảy máu nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Triệu chứng bệnh hemophilia
Chị V.T.H (30 tuổi, ngụ H.Cẩm Mỹ) mẹ của em N.V.A (6 tuổi) chia sẻ: Gia đình phát hiện ra cháu có triệu chứng giống như cậu (em trai chị H., bị bệnh “máu loãng”), là lúc con của chị bị sưng ở bắp chân, chỉ cần một chấn thương nhẹ là máu của con chảy không ngưng được. Có kinh nghiệm từ người em trai của mình nên chị đã đưa cháu lên TP.Hồ Chí Minh làm xét nghiệm. Kết quả, con trai thứ 2 của chị bị bệnh Hemophilia (rối loạn đông máu). Từ đó đến nay, chị nghỉ làm ở nhà để canh chừng con. Bé cũng không đến trường học bậc mầm non, mà chị thành “cô giáo” của con từ việc dạy con hát, học chữ, học số.
“Tháng 9 này cháu đủ tuổi vào lớp 1, tôi tính đưa con đến trường, vào lớp ngồi với con đến khi cô giáo vào dạy, giờ ra chơi thì ra trường chơi với con, để hạn chế tuyệt đối cháu bị va chạm, chấn thương gây chảy máu. Hiện cứ 2 tuần, 2 mẹ con tôi lại đưa nhau lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để truyền thuốc. Cũng cực lắm nhưng trong nhà có người bệnh như vậy nên cũng đã quen dần”- chị H. tâm sự.
BS.CKI Trần Xuân Lam thăm khám cho bệnh nhân.
BS.CKI Trần Xuân Lam, Phó khoa - Phụ trách khoa Huyết học Thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Hiện nay, Bệnh viện đang điều trị cho 20 bệnh nhân bị bệnh Hemophilia. Hemophilia là một bệnh chảy máu di truyền gây ra do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố đông máu. Đặc điểm nổi bật của bệnh là chảy máu khó cầm ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là chảy máu khớp, cơ. Khi một người phụ nữ mang gen Hemophilia lấy một người đàn ông bình thường thì xác suất cho mỗi lần sinh con của họ là: 25% con trai bình thường, 25% con trai bị bệnh, 25% con gái bình thường, 25% con gái mang gen bệnh. Nếu bố là bệnh nhân hemophilia và mẹ là người bình thường thì tất cả con gái đều mang gen hemophilia. Con trai của người này hoàn toàn bình thường và cũng không truyền bệnh cho thế hệ sau.
Bệnh Hemophilia được chia làm 2 thể là thể trung bình và thể nặng.
Một người mắc hemophilia có những triệu chứng rất dễ nhận thấy: Khi gặp chấn thương cơ thể dễ xuất hiện các mảng bầm tím lớn trên da; Các khớp (nhất là khớp gối, khuỷu tay, cổ tay, cổ chân) có cảm giác nóng ran, ngừa, cứng và đau do chảy máu trong cơ và khớp; Xuất huyết bên trong các cơ quan không rõ nguyên nhân; Khi cơ thể có vết thương, thời gian chảy máu kéo dài, máu khó đông sau khi nhổ răng, phẫu thuật; Máu chảy liên tục trong thời gian dài sau khi bị tai nạn, đặc biệt là các chấn thương ở vùng đầu; Máu chảy ở vùng cổ hay ngực có thể chèn ép đường thở dẫn đến hô hấp khó khăn; Phân đen, nôn và đi tiểu ra máu trong trường hợp xuất huyết đường tiêu hóa.
Tại Việt Nam, ước tính có trên 6.200 người bị bệnh Hemophilia (máu khó đông) và mới có khoảng trên 60% người bệnh được chẩn đoán và điều trị.
Dự phòng bệnh Hemophilia
Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh Hemophilia. Tuy nhiên, biện pháp bổ sung yếu tố đông máu bị thiếu có thể giúp người bệnh ổn định sức khỏe và duy trì ở trạng thái bình thường. “Khi bị chảy máu, người bệnh cần phải được tiến hành điều trị kịp thời để giảm đau, tránh các tổn thương và hạn chế tối đa tình trạng mất máu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh nhân có thể xuất hiện các biến chứng như tổn thương não, các khớp bị phá hủy, nhiễm trùng nội tạng,... Điều này sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm hơn, đồng thời mất máu nhiều có thể đe dọa tính mạng”- BS Lam chia sẻ.
Để hạn chế việc chảy máu khó đông ở những người bị bệnh Hemophilia cần phải thay đổi lối sống phù hợp với đặc điểm của bệnh, đi đứng nhẹ nhàng, tránh những chấn thương dẫn đến chảy máu; Tạo môi trường sống an toàn, đi ra đường đội mũ bảo hiểm, những nơi trơn trượt trong nhà cần có tay vịn, cần ánh sáng để tránh bị ngã…; Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kiểm tra định kỳ phòng những viêm nhiễm ở miệng, giảm thiểu tối đa những chảy máu do răng miệng; Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh của cơ bắp; Tránh dùng các thuốc có thể gây chảy máu như aspirin, histamin, không tiêm bắp, không châm cứu; Khi gặp các va đập gây chảy máu, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương lập tức.
“Phụ nữ hiếm khi mắc bệnh Hemophilia, nhưng nếu mang gene bệnh này, những đứa con trai của họ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Bởi vậy, những phụ nữ trong gia đình có người mắc bệnh Hemophilia cần nhận thức đầy đủ về bệnh và nên đi khám để được tư vấn, tầm soát các bệnh di truyền trước hôn nhân và trước khi sinh con”- BS Lam khuyến cáo.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về Hemophilia và các rối loạn chảy máu, từ năm 1989, Liên đoàn Hemophilia Thế giới đã chọn ngày 17/4 hằng năm là ngày Hemophilia Thế giới. Đây là dịp để toàn xã hội hướng sự quan tâm đến cộng đồng người có rối loạn chảy máu và kết nối cộng đồng rối loạn chảy máu toàn cầu. Năm 2024, ngày Hemophilia Thế giới với chủ đề: “Tiếp cận bình đẳng trong việc chẩn đoán và điều trị cho tất cả bệnh nhân rối loạn đông máu”. |
Mai Liên